Để tem điện tử phủ sóng rộng rãi
Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái đang diễn biến phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước đang nỗ lực để tìm cách khắc phục, trong đó việc dùng tem điện tử được xem là một trong những giải pháp hiệu quả.
“Chứng minh thư” của sản phẩm
"Tem điện tử" hay còn gọi là "tem điện tử kỹ thuật số" hoặc "tem điện tử SMS" là loại tem thông minh áp dụng công nghệ mã số bí mật và hệ thống nhắn tin xác thực hàng chính hãng qua tổng đài. Người tiêu dùng và DN chỉ cần quét mã QR hoặc cào lấy mã số trên tem và nhắn tin theo cú pháp để xác thực thông tin sản phẩm, kiểm tra hàng chính hãng. Tem điện tử chứa tính năng chống giả kép bằng dãy mã số bí mật ngẫu nhiên được xuất ra từ hệ thống máy chủ. Mỗi con tem chỉ chứa một mã số an ninh duy nhất, không thể sao chép, làm giả. Mã số bí mật sẽ liên kết cùng hệ thống nhắn tin xác thực là yếu tố chống giả kép, vừa đảm bảo chống giả tuyệt đối vừa giúp người dùng xác thực thông tin nguồn gốc sản phẩm chính hãng một cách nhanh chóng, tiện lợi, chính xác.
Thạc sĩ Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Hợp tác và chuyển giao công nghệ, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tem điện tử là giải pháp xác thực nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, cho phép các nhà sản xuất, nhà phân phối bảo vệ và nâng cao thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái đang phổ biến hiện nay. Tem điện tử mang lại nhiều lợi ích đối với người tiêu dùng cũng như DN và được xem như “chứng minh thư” của sản phẩm. Nó giúp người tiêu dùng kiểm tra, xác thực hàng chính hãng một cách chính xác, đồng thời dễ dàng kiểm tra dù ở bất kỳ đâu.
Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang (huyện Krông Pắc) giới thiệu các sản phẩm được dán tem điện tử qua mạng xã hội. |
Đối với DN, tem điện tử giúp chống hàng giả hiệu quả, khoanh vùng và cảnh báo khu vực có khả năng xuất hiện hàng giả. Nhờ vậy, DN quản lý được sản phẩm, bảo vệ uy tín và nâng tầm thương hiệu trên thị trường. Ngoài ra, thông qua tem điện tử, DN còn có thể kiểm soát hàng hóa trong kênh phân phối, chống lấn tuyến, lấn vùng, quản lý hàng hóa tồn kho, tiêu thụ nhanh gọn và giúp tối ưu hóa chi phí bởi khả năng tích hợp nhiều tính năng cùng lúc. Không những thế, tem điện tử còn giúp DN kiểm soát khách hàng thân thiết, nắm bắt được hành vi tiêu dùng của khách hàng, chẳng hạn như: mua sản phẩm gì, ở đâu, số lượng bao nhiêu… từ đó có các chiến lược tiếp thị và chăm sóc khách hàng hiệu quả. Bên cạnh đó, tem điện tử còn cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng khác như: Kích hoạt trúng thưởng may mắn ngẫu nhiên, kiểm soát khuyến mãi, dịch vụ tích điểm đổi quà, dịch vụ bảo hành điện tử…
Chị Nguyễn Thị Thanh (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, khi sử dụng những sản phẩm có tem điện tử, chị cảm thấy yên tâm hơn vì chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên tem sẽ hiện lên những thông tin cụ thể, chi tiết về DN và sản phẩm. Điều này giúp tiết kiệm thời gian tìm hiểu và tránh lãng phí tiền bạc khi chọn mua hàng hóa giữa "rừng" sản phẩm đa dạng và hỗn độn như hiện nay.
Bước đầu tiếp cận doanh nghiệp
Tuy đã xuất hiện khá lâu và đang dần phủ sóng trên nhiều sản phẩm, nhưng hiện nay các DN trên địa bàn tỉnh mới chỉ đang ở bước đầu tiếp cận với tem điện tử. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang (huyện Krông Pắc) cho hay, tuy biết về lợi ích của tem điện tử đã lâu, nhưng do DN có quy mô nhỏ, lại mới thành lập nên chưa có cơ hội được tiếp cận. May mắn cho đơn vị của bà cũng như một số DN nhỏ và vừa khác trên địa bàn tỉnh là vào tháng 7-2021, Công ty Xã hội Bồ Công Anh (TP. Buôn Ma Thuột) đã kết nối được với Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT để tổ chức khóa đào tạo trực tuyến ứng dụng công nghệ QR code và tem điện tử trong marketing và xác thực nguồn gốc hàng hóa. Khóa đào tạo đã cung cấp cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh những thông tin về QR code trong marketing; vai trò, tác dụng và những điều cần biết về tem điện tử xác thực nguồn gốc hàng hóa; cách sử dụng, kích hoạt tem điện tử… Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT cũng đã hỗ trợ 100.000 tem điện tử cho 10 DN khởi nghiệp và hợp tác xã có sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, vùng nguyên liệu sạch, quy trình sản xuất tốt… trong đó có Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Pơ Lang.
Nhiều sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) đã được dán tem điện tử. |
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) đánh giá rất cao những tính năng và lợi ích của tem điện tử. Công ty ông cũng được Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT hỗ trợ 10.000 tem. Tuy điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng hóa lưu thông chậm, công ty mới sử dụng được khoảng hơn 100 tem, nhưng đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của khá nhiều khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Chu Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, xã hội, cơ quan, tổ chức, DN về hoạt động truy xuất nguồn gốc, đồng thời nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa để kiểm soát chặt chẽ các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng, tháng 9-2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tuy được giao là đơn vị chủ trì thực hiện hầu hết các nhiệm vụ trong kế hoạch, trong đó có tập huấn, đào tạo về áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa như: mã QR, tem điện tử, điện toán đám mây, hệ thống phần mềm nhận diện… nhưng do thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến khá phức tạp nên các hoạt động còn hạn chế, chưa tổ chức được nhiều.
Trên thực tế, để hỗ trợ DN trên địa bàn trong chuyển đổi số cũng như bảo vệ sản phẩm và người tiêu dùng thì việc áp dụng truy xuất nguồn gốc nói chung, tem điện tử nói riêng là điều cần thiết và cũng là xu hướng tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, muốn tem điện tử phủ sóng rộng rãi hơn nữa thì không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của DN mà còn cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc