Để trái cây Đắk Lắk “sống khỏe” (kỳ 1)
Đắk Lắk đang được xem là "vùng Nam Bộ thứ hai" trong tương lai về phát triển cây ăn trái, bởi sự phong phú về chủng loại và năng suất cao.
Một lợi thế nữa là nhờ chất lượng tốt nên trái cây của Đắk Lắk được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng, nhất là đối với những loại trái cây đặc sản như bơ, sầu riêng. Tuy nhiên, đại dịch COVID–19 đang khiến đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Trái cây mùa dịch
Đại dịch COVID–19 đã khiến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, việc lưu thông hàng hóa cũng bị tắc nghẽn ở nhiều nơi. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra của nông sản Đắk Lắk, nhất là mặt hàng cây ăn trái.
Giá giảm mạnh
Bên cạnh cây công nghiệp dài ngày thì phát triển cây ăn trái được xem là tiềm năng mới của Đắk Lắk. Theo số liệu của Sở NN-PTNT, năm 2020 diện tích cây ăn trái đạt 28.416 ha, tăng 18.526 ha so với năm 2015. Hiện Đắk Lắk có hai loại cây chủ lực là sầu riêng và bơ đang bước vào thu hoạch. Trong đó, sầu riêng có hơn 12.000 ha (diện tích đang cho thu hoạch khoảng 5.300 ha), sản lượng 103 nghìn tấn, chủ yếu là giống Ri6, Dona, với chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Diện tích cây bơ khoảng 9.000 ha (có 5.400 ha cho thu hoạch), sản lượng khoảng 82 nghìn tấn, với các giống đặc sản như bơ sáp, bơ Booth, bơ Hass, bơ 034… Bơ Booth và bơ Hass vào vụ thu hoạch từ giữa tháng 8, sản lượng ước tính khoảng 40 nghìn tấn.
Nông dân huyện Cư Kuin chở sầu riêng ra bán tại vựa để được giá cao hơn. Ảnh: Minh Thuận |
Trái cây của Đắk Lắk là mặt hàng được nhiều thị trường ưa chuộng, đầu ra tốt và giá bán cũng tốt hơn những vùng khác. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh COVID–19 bùng phát mạnh ngay thời điểm các loại trái cây vào mùa thu hoạch đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ những mặt hàng này. Hiện nay, giá các loại trái cây đều giảm, cụ thể: giá trái dứa (thơm) trung bình 5.000 - 6.000 đồng/kg (giảm 50% so với năm 2020); xoài giữa vụ giá từ 2.000 - 5.000 đồng/kg (giảm 2/3); giá bơ có thời điểm xuống còn 6.000 đồng/kg (trước đây trung bình khoảng 30.000 đồng/kg). Đối với mặt hàng sầu riêng, giá bán có sự khác nhau ở từng chủng loại. Cụ thể: sầu riêng hạt và Ri6, giá giảm khoảng 50%, do chủ yếu tiêu thụ nội địa nhưng nhiều địa phương siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khiến hàng lưu thông chậm; loại sầu riêng Dona giữ giá ổn định hơn vì đây là mặt xuất khẩu, có vùng nguyên liệu lớn và được doanh nghiệp đặt hàng thu mua.
Sở NN-PTNT đã thành lập Tổ hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh để theo dõi thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản; kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương nhằm bảo đảm thông suốt các khâu sản xuất và tiêu thụ...
|
Ông Trần Thắng Lợi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Krông Năng) cho biết, đơn vị có 20 ha bơ các loại trồng xen, tổng sản lượng đạt trên 100 tấn; thời gian thu hoạch rải từ tháng 2 đến tháng 11 trong năm. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID–19 nên giá trái bơ xuống thấp, như bơ 034 hiện bán ra có giá 16.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái giá từ 35.000 – 40.000 đồng/kg và hàng tiêu thụ rất chậm.
Trên địa bàn huyện Krông Bông, trái dứa cũng đang gặp khó khăn về đầu ra. Chị Trần Thị Lan (thôn 2, xã Cư Drăm) cho biết, gia đình chị trồng gần 10 ha dứa, trong đó có 5 ha đã cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 400 tấn. Dứa của người dân chín rộ trên cây mà không thể thu hoạch. Không những thế, giá giảm nhiều, thương lái chỉ thu mua 7.000 đồng/quả, đối với quả dưới 1,5 kg chỉ thu mua với giá 3.000 đồng/quả.
Cung - cầu đứt gãy
Trong hoàn cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, không chỉ các địa phương trong nước mà cả các nước trong khu vực và trên thế giới đều phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Đặc biệt, nhiều địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm soát hoạt động thương mại, vận tải hàng hóa; các chợ đầu mối lớn và hệ thống chợ truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh buộc phải đóng cửa đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thu mua của hệ thống thương lái, ảnh hưởng đến việc lưu thông và tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản của các tỉnh, thành phố phía Nam. Tình trạng này khiến việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đang vào thời điểm thu hoạch rộ của nhiều loại trái cây.
Mặt khác, tại những địa bàn vùng dịch, việc di chuyển giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn khiến thương lái thu mua không nhiều hoặc không có người đến thu mua. Chưa kể đến việc các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản đang phải thực hiện giãn cách, không đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” nên phải dừng hoạt động để bảo đảm yêu cầu chống dịch cũng ảnh hưởng đến lượng thu mua nông, thủy sản.
Vườn sầu riêng Dona của một hộ gia đình ở xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) sắp bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: Minh Thông |
Đơn cử, tại huyện Krông Bông có 714 ha dứa đang vào giai đoạn thu hoạch rộ, tập trung tại các xã Cư Drăm, Yang Mao, Cư Pui, Hòa Phong. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian cả ba xã trên và một số thôn của xã Hòa Phong đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ do tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, nên thương lái không vào thu mua được nếu chưa được chính quyền cho phép.
Tương tự, trên địa bàn huyện Cư Kuin, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hoạch, tiêu thụ và lưu thông hàng hóa của người dân, nhất là trái sầu riêng (loại sầu riêng truyền thống và Ri6) cho thu hoạch rộ vào ngay thời điểm huyện thực hiện Chỉ thị 16 (từ ngày 24-7 đến ngày 7-8). Mặc dù, chính quyền đã tạo điều kiện cho thương lái vào thu mua, nhưng do diện tích không tập trung, số lượng thương lái vào thu mua không nhiều khiến nông dân gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người tiêu dùng hạn chế ra ngoài và tiêu dùng nên lượng tiêu thụ giảm, việc vận chuyển và phân phối cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến, bảo quản trái cây, rau củ quy mô lớn, hệ thống kho lạnh bảo quản công suất lớn chưa có. Do vậy trái cây, rau củ của tỉnh chủ yếu được phân loại, sơ chế và xuất đi tiêu thụ tươi, dẫn đến tình trạng hàng hóa không được thông suốt như thời điểm hiện tại.
Nguyễn Lê Cao Minh
Ý kiến bạn đọc