Multimedia Đọc Báo in

Giải ngân vốn đầu tư công: "Chìa khóa" cho tăng trưởng kinh tế (kỳ cuối)

08:16, 13/08/2021

“Liều thuốc” trị bệnh chậm giải ngân vốn đầu tư công

Để khắc phục tình trạng “ì ạch” trong giải ngân vốn đầu tư công và những nguyên nhân cố hữu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành đã đề ra những giải pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn.

“Chìa khóa” để giải ngân

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11- CT/TU, ngày 14-7-2021 yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95% đến 100% kế hoạch vốn được giao, trong đó quý III-2021 phải giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch. Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân cao, còn thiếu vốn.

Thi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Cư Păm (Km 21+050) thuộc Tỉnh lộ 9, huyện Krông Bông.

Bên cạnh đó, các địa phương phải gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; xác định, đưa kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan; kiên quyết chống trì trệ, tiêu cực trong đầu tư công…

Chỉ thị 11 cũng yêu cầu các Ban Đảng của Tỉnh ủy và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Chỉ thị 11 yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các cấp, các ngành, đoàn thể đều phải chung tay thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đây được xem là “chìa khóa” để mở "cánh cửa" giải ngân vốn đầu tư công và cũng là kim chỉ nam để thực thi các giải pháp trong thời gian tới.

Giải pháp trị "chậm"

“Trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, đơn vị cần tập trung nhân lực để thẩm định hồ sơ bảo đảm quy trình, chất lượng và thời gian; tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục tạm ứng vốn và thanh toán theo khối lượng do các chủ đầu tư đề xuất phù hợp với quy định. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án có thu tiền sử đụng đất; quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh.

Ông Trần Đình Nhuận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đơn vị đã đề nghị các huyện nhanh chóng hoàn thành, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030; hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác đo đạc bản đồ theo quy định, đồng thời tham mưu UBND tỉnh sửa đổi các quy định về bồi thường và trình tự, thủ tục, quy chế phối hợp giữa các đơn vị. Đối với vướng mắc về vật liệu xây dựng san lấp, Sở đã trình UBND tỉnh bổ sung 64 điểm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh và tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khôi phục lại Nghị quyết Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…

Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Lập cho rằng, trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần nghiên cứu, phổ biến và triển khai Chỉ thị số 11 một cách hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, các chủ đầu tư cần đánh giá một cách kịp thời, chính xác năng lực của các nhà thầu, đơn vị tư vấn, thiết kế và có sự ràng buộc với họ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích để làm rõ nguyên nhân các công trình, dự án chậm tiến độ. Từ đó có biện pháp cụ thể, quyết liệt đối với các nhà thầu không đủ năng lực, không tập trung nhân lực, thiết bị để thi công xây dựng công trình, thực hiện dự án theo tiến độ hợp đồng.

Đối với việc giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua, Sở Xây dựng đã theo dõi hiện tượng đầu cơ, thổi giá và làm việc với Cục Thuế tỉnh và Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk để có biện pháp răn đe nhằm bảo đảm giá vật liệu cho các công trình, dự án. Đặc biệt, để phát hiện, xử lý những tồn tại, tiêu cực trong công tác giám sát, quản lý các dự án, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Công an tỉnh thực hiện công tác thanh, kiểm tra trong thời gian tới.

Thi công xây dựng Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 29, đoạn qua huyện Krông Năng.

Theo ý kiến của nhiều chủ đầu tư, để đẩy lùi sự trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công, trong thời gian tới, UBND tỉnh cần thông báo vốn xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm để các chủ đầu tư chủ động và kịp thời thực hiện các bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Hơn nữa, các sở chuyên ngành khi thực hiện thẩm định cùng một dự án thuộc nhiều lĩnh vực liên quan cần có cơ chế phối hợp để rút ngắn thời gian. Tỉnh cũng cần quyết liệt chỉ đạo các địa phương và các trung tâm phát triển quỹ đất khẩn trương phê duyệt những phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm rút ngắn thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trong các dự án.

Đối với việc triển khai đồng bộ, thống nhất các quy định mới của pháp luật về xây dựng, UBND tỉnh, các sở, ngành cần sớm cập nhật và có văn bản hướng dẫn cụ thể, làm cơ sở thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.