Multimedia Đọc Báo in

“Gỡ khó” trong xây dựng nông thôn mới

Kỳ 2: Quyết sách tạo đột phá

21:34, 30/08/2021

Để vượt qua những “rào cản” trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi địa phương đã xác định được những khó khăn và thách thức riêng để đưa ra những quyết sách đúng đắn trong lộ trình cán đích NTM...

Đảng viên đi trước…

Trước khi xây dựng hệ thống dẫn nước từ đỉnh Chư Tôn, cứ vào mùa khô, người dân thôn 5, xã Cư San (huyện M’Drắk) lại khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. 

ảnh
Cán bộ, người dân thôn 5, xã Cư San (huyện M'Drắk) tự hào giới thiệu về công trình xây dựng đường ống dẫn nước về thôn.

Giải quyết bài toán khô hạn ấy, năm 2014, Chi bộ, Ban tự quản thôn 5 đã đề ra phương án dẫn nước từ thượng nguồn sông Giang trên đỉnh Chư Tôn về sử dụng. Khi ý tưởng này được đưa ra, nhiều người không mấy tin tưởng vào tính khả thi, bởi núi cao dựng đứng, cây cối rậm rạp, nhiều nơi là vách đá khó kéo đường ống, lại chưa kể lấy đâu ra kinh phí để làm... 

Ông Trần Thanh Bình, nguyên Bí thư Chi bộ thôn 5 khi ấy (nay chuyển sang làm Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy xã) nhớ lại: Bao cuộc họp dân được tổ chức, rồi lại đến từng nhà nhỏ to phân tích lợi ích lâu dài, những người ban đầu e ngại phương án này cuối cùng cũng nhất trí tán thành. Ròng rã bao tháng trời khảo sát với nhiều chuyến đi "ăn ngủ với rừng"; thiết kế sơ đồ và tính toán chi phí cần thiết để lắp đặt; tiếp đó lại huy động toàn dân trong thôn, nhất là đội ngũ đảng viên, đào đắp, lắp đặt, nấu nướng, ăn uống ngay tại “công trường” để tiết kiệm thời gian, công sức đi lại...

Hệ thống dẫn nước từ đỉnh Chư Tôn “có một không hai” của thôn 5 đã hoàn thành với chiều dài hơn 8 km (trong đó chỉ có hơn 1 km đường bằng, còn lại 7 km là ở trên núi) cùng các đường ống nhánh dẫn nước đến từng nhà và 2 bể chứa 100 m3; tổng kinh phí hết 650 triệu đồng từ nguồn huy động nhân dân đóng góp (chưa kể ngày công bỏ ra). Với hơn 60% dân số là hộ nghèo khi ấy, nếu không có sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân thì việc huy động xây dựng công trình sẽ chẳng thể nào làm được. 

ảnh
Người dân thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) chung sức làm đường giao thông nông thôn.

Hay ở xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin), với mục tiêu cán đích NTM vào cuối năm 2021. Để về đích đúng hẹn, Đảng ủy và chính quyền xã Dray Bhăng đã xác định các tiêu chí phấn đấu đạt chuẩn theo lộ trình từng năm. Trong công tác huy động nhân dân đóng góp xây dựng các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, xã tuyệt đối không dùng biện pháp áp đặt mà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; những vấn đề mang tính cộng đồng sâu sắc đều được công khai lấy ý kiến người dân thông qua các cuộc họp thôn, buôn.

Đảng ủy, UBND xã cũng tổ chức phát động thi đua xây dựng NTM giữa các chi bộ, ban tự quản các thôn, buôn. Trong đó, đảng viên là những người đầu tàu gương mẫu tại các thôn, buôn trong việc tham gia tích cực vào phong trào xây dựng NTM. Đồng thời, xã phân công cụ thể từng thành viên trong cấp ủy đảm nhận trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn từng tiêu chí cụ thể để kịp thời thực hiện, kiểm tra, đánh giá. Từ cách làm này đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân chung sức tham gia xây dựng NTM. Đến nay, nhân dân trong xã đã đóng góp được gần 11 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn. 

ảnh

Con đường hoa được bà con trên địa bàn xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar) trồng để làm sạch, đẹp diện mạo của các thôn, buôn

Ông Nguyễn Ngọc Đoàn, Bí thư, Trưởng thôn Kim Châu (xã Dray Bhăng) phấn khởi cho biết, là thôn có đến 97% người dân theo đạo Công giáo, Đảng ủy, chính quyền đã phối hợp rất tốt với Hội đồng giáo xứ trong việc vận động người dân tham gia vào các hoạt động xây dựng NTM. Đặc biệt, các đảng viên trong thôn đều là những người tích cực trong việc đóng góp thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn, lắp đèn đường …

Chính nhờ vậy, đến nay thôn Kim Châu đã đạt 98% đường giao thông bê tông, nhựa hóa, 100% đường có hệ thống đèn chiếu sáng. Từ năm 2019 – 2020, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bà con đã đóng góp gần 200 triệu đồng để làm đường và cổng trường học. Ngoài ra, bà con còn góp công, góp của để lắp đèn đường 4 tuyến đường dọc, 10 tuyến đường ngang; công tác vệ sinh môi trường cũng được nhân dân ở đây đăng ký thu gom rác thải tập trung, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường... Điều này đã góp phần xây dựng thôn Kim Châu thành một trong những thôn sạch đẹp, khang trang nhất trên địa bàn tỉnh.

“Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ hăng say, nhiệt huyết tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng NTM. Đặc biệt, cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng (thôn, xã) đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của các địa phương, cũng như sự tham gia của người dân, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn xã hội thực hiện chương trình này…”

Ông Dương Tín Đức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM của tỉnh

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đánh giá, thực tiễn triển khai Chương trình thời gian qua cho thấy, ở nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực sự quan tâm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì kết quả xây dựng NTM sẽ có chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng đạt chuẩn.

Trong năm 2020, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ đảng viên, các địa phương trong tỉnh đã huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với tổng số tiền đóng góp trên 200 tỷ đồng (trong đó, đóng góp bằng tiền mặt hơn 53 tỷ đồng, hiến hơn 10.000 m2 đất và góp hơn 8.000 ngày công lao động).

Đến những quyết sách táo bạo

Một trong những giải pháp tháo “nút thắt” cho những tiêu chí khó là đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân để trước hết là gỡ vướng cho tiêu chí về hộ nghèo, về thu nhập, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…

Nhận thức được điều này, nhiều địa phương đã có những đột phá về phát triển mô hình chuỗi giá trị sản xuất. Đơn cử như huyện Krông Pắc, sau 10 năm xây dựng NTM, huyện đã có nhiều hoạt động nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện Krông Pắc đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ đó hình thành được các mô hình nông nghiệp làm cơ sở để nhân rộng, điển hình như mô hình trồng chuối xuất khẩu tại xã Vụ Bổn.

ảnh
Sầu riêng đang là sản phẩm thế mạnh mà huyện Krông Pắc đang hướng tới để xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi được hình thành và khẳng định hiệu quả trong thực tiễn. Giá trị sản xuất tăng 1,5 - 2 lần và thu nhập của người sản xuất tăng 30 - 40% so với sản xuất thông thường. Hiện huyện đang triển khai xây dựng đề án xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bơ, sầu riêng và một số nông sản chủ lực khác trên địa bàn toàn huyện.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến cho biết: Trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông nghiệp chiếm hơn 50% giá trị sản lượng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pắc lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế là tập trung ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đổi mới tổ chức sản xuất, liên kết nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, an toàn, bền vững; có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu…

ảnh
Nông dân huyện Cư Kuin ứng dụng công nghệ nhà màng vào sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đối với huyện Cư M’gar, Chương trình xây dựng NTM đã được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề cấp bách, then chốt để tạo bước đột phá. Huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất. Đặc biệt, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được triển khai hiệu quả như: xây dựng vùng sản xuất tập trung các cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế và lợi nhuận cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả, rau củ quả... Trong đó, chú trọng phát triển vùng sản xuất có chứng nhận, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được triển khai và nhân rộng. Đến nay, toàn huyện có trên 10.000 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ; 18 trang trại chăn nuôi với quy mô 1.000 con heo/trang trại, từ 14.000 - 16.000 con gà/trang trại…

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, trong giai đoạn 2016 - 2020, nhiều địa phương đã thực hiện rất hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, với một lộ trình phù hợp. Điều đó đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh liên tục tăng, trung bình đạt 5,64%/năm, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích bình quân đạt 112 triệu đồng/ha, cao gấp 1,37 lần so với năm 2015. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng quy mô lớn, tập trung, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng, đã và đang nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Lan Anh - Minh Thuận

(Còn nữa)
Kỳ cuối: Hướng tới xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.