Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Tìm hướng thu hoạch và tiêu thụ sầu riêng

08:29, 05/08/2021

Chỉ còn khoảng vài tuần nữa là nông dân huyện Krông Pắc bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Chính quyền địa phương và người dân đang thực hiện đồng bộ công tác chuẩn bị nhằm bảo đảm thu hoạch, tiêu thụ sầu riêng an toàn giữa đại dịch COVID-19.

Tăng cường canh giữ

Là một trong những vựa sầu riêng chính của huyện Krông Pắc, người dân xã Ea Kênh đang tất bật thực hiện công tác chăm sóc sầu riêng cuối vụ và bảo vệ vườn cây.

Theo khảo sát của địa phương, toàn xã hiện có gần 700 ha sầu riêng, trong đó có gần 300 ha sầu riêng kinh doanh, tập trung tại các thôn Tân Bắc, Tân Nam, Tân Đông, Tân Đức... Việc chăm sóc và tổ chức tuần tra, bảo vệ vườn cây được nông dân thiết lập, kết nối từ nhiều năm nay đang duy trì hiệu quả, góp phần tăng năng suất, chất lượng ổn định cho sầu riêng.

Ông Bùi Đình Lục (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) cho hay, gia đình ông trồng được 5 ha sầu riêng, trong đó có 2 ha kinh doanh. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, thời điểm sầu riêng ra hoa trời nắng đẹp, giai đoạn cây nuôi trái không nắng gắt như những năm trước, đa phần bà con đều phải tỉa bớt trái trên cây theo thời kỳ sinh trưởng để bảo vệ cây và chất lượng sầu riêng cuối vụ.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù thời tiết có bất lợi nhất định do những ngày gần đây có mưa to kèm theo gió lớn, một số vườn bị rụng trái khá nhiều, nhưng nhìn chung so với năm 2020, năng suất cao hơn rất nhiều, có thể tăng thêm hơn 10 tấn/ha.

Ông Bùi Đình Lục (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) kiểm tra tiến độ sinh trưởng của sầu riêng trên vườn cây của gia đình.

Tương tự, bà Lê Thị  Đào (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) cho hay,  gia đình bà có 1,3 ha sầu riêng trồng từ năm 2014. Năm nay trái đều, đẹp và nhiều hơn năm 2020 khoảng 30%. So với các loại cây trồng khác thì sầu riêng là cây lâu năm, chăm sóc kỳ công và tốn nhiều chi phí từ khâu đầu tư phân bón, công tỉa cành, tỉa trái đến chống cành giữ trái.

Trong khi đó, vườn sầu riêng của gia đình mới vào kỳ kinh doanh nên bà hy vọng rất nhiều vào vụ mùa năm nay. Tuy giá cả năm nay dự báo có khả năng thấp hơn những năm trước do tác động của dịch COVID-19, tuy nhiên bà vẫn chăm sóc, thu hoạch đúng kỹ thuật, đúng thời điểm để bảo vệ vườn cây. Và điều quan trọng nữa là góp phần xây dựng, bảo đảm chất lượng, thương hiệu cho sầu riêng huyện Krông Pắc. Vì vậy, ngoài rào kín vườn bằng tôn thì gia đình còn luân phiên nhau canh giữ vườn và lên phương án hỗ trợ người thu mua trong điều kiện có thể. Bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho nhiều người, nhiều ngành nghề, sự chủ động kết nối, phối hợp sẽ giúp mùa thu hoạch sầu riêng năm 2021 thuận lợi hơn.

Tìm hướng cho khâu tiêu thụ

Theo thống kê, toàn huyện Krông Pắc hiện có hơn 3,3 nghìn ha sầu riêng, sản lượng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên dưới 30.000 tấn/năm, doanh thu bình quân 1.250 - 1.650 tỷ đồng/năm, mang lại nguồn thu nhập và lợi nhuận rất lớn cho nhân dân. Dự kiến năm 2021, sản lượng sầu riêng đạt trên 40.000 tấn, giá trị thu được ước tính 2.000 tỷ đồng, đây là nguồn lợi lớn cho người dân địa phương. Tuy nhiên hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu mua, tiêu thụ sầu riêng của Đắk Lắk nói chung và huyện Krông Pắc nói riêng.

Đại diện UBND xã Ea Kênh nắm bắt thông tin tình hình sản xuất của một nông hộ trên địa bàn.

Không chỉ nông dân, chính quyền địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp tiêu thụ sầu riêng. Ông Y Prung Êban, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kênh cho biết, địa phương đang rà soát danh sách các hộ kinh doanh sầu riêng để có phương án bảo đảm an ninh trật tự mùa thu hoạch, tạo thuận lợi cho thương lái hoạt động thu mua sầu riêng mùa dịch.

Tính đến cuối tháng 7, ngoài các cơ sở thu mua của người dân địa phương thì đã có hai cơ sở thu mua lớn từ các địa phương khác đến đăng ký hoạt động thu mua, chế biến sầu riêng, với 24 nhân công. Trong đó có một cơ sở đã đủ thời gian cách ly y tế theo quy định và bắt đầu tiến hành thu mua, sơ chế sầu riêng; cơ sở còn lại chỉ còn vài ngày nữa là hết thời gian cách ly.

Theo Huyện ủy Krông Pắc, địa phương vừa có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn huyện và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ huyện Kông Pắc tiêu thụ và phát triển sầu riêng bền vững.

Cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục để các doanh nghiệp, chuyên gia, nhân công, cán bộ kỹ thuật... ra vào huyện kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản nói chung và sản phẩm sầu riêng nói riêng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc biệt là sản phẩm sầu riêng của huyện Krông Pắc trên nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống siêu thị… hướng đến kênh phân phối hiện đại và mang tính bền vững.

Đồng thời chỉ đạo ngành y tế cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ huyện kiểm tra, xét nghiệm, sàng lọc, chứng nhận an toàn cho lái xe, phụ xe, nhân công, kỹ thuật, chuyên gia đến làm việc, sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn theo quy định...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.