Multimedia Đọc Báo in

Nghị quyết về “tam nông”: Cuộc mở đường cho hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn (kỳ 2)

06:34, 24/08/2021

Những gam màu sáng trong bức tranh nông thôn

Từ Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X mang tính chiến lược, bản lề, đưa làn gió “tam nông” thổi vào mọi ngõ ngách của đời sống, nhiều khu vực nông thôn đã chuyển mình mạnh mẽ, nhất là ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Người nông dân đã có được những điểm tựa, cầu nối để sản xuất ngày một hiệu quả, bền vững.

Sức sống mới ở các buôn làng

Là buôn căn cứ cách mạng, chủ yếu là đồng bào dân tộc M’nông, buôn Kiều từng là buôn khó khăn nhất của xã Yang Mao (huyện Krông Bông). Mặc dù được quan tâm, ưu tiên đầu tư từ nhiều nguồn lực, nhưng đời sống của người dân trước đây vẫn luôn gặp khó khăn, thiếu thốn. Khi "làn gió mới" của nghị quyết "tam nông" thổi đến buôn làng, hiện thực hóa bằng các chương trình mục tiêu quốc gia (trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) làm động lực), buôn Kiều đã có bước chuyển rõ rệt, minh chứng bằng những con đường bê tông, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học mầm non và tiểu học được đầu tư khang trang, điện sáng khắp mọi nhà…

Buôn Kiều (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) có tiềm năng trở thành điểm du lịch nông thôn mới gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc M'nông. Ảnh: Hồ Hậu

Sinh ra và lớn lên ở đây, Ama Duyên - Trưởng buôn Kiều cảm nhận rất rõ từng đổi thay của buôn làng mình. Bên cạnh nhiều công trình được Nhà nước quan tâm đầu tư làm cho bộ mặt nông thôn ngày một khang trang thì niềm vui lớn nhất đối với ông chính là sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của bà con nơi đây. Năm 2010, khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM triển khai thực hiện ở buôn, bà con đã tiếp cận nhiều mô hình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống dần cải thiện. Đặc biệt, nằm dưới chân núi Chư Yang Sin, buôn Kiều có nhiều cảnh đẹp, môi trường trong lành, không khí yên bình nên thời gian gần đây đã thu hút nhiều khách du lịch. Đây cũng là cơ hội để bà con chung tay xây dựng buôn làng, mong một ngày không xa buôn Kiều trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng thu hút du khách ở mọi miền.

Ông Trần Thế Thành, Bí thư Đảng ủy xã Yang Mao cho biết, chủ trương của địa phương là xây dựng buôn Kiều thành khu dân cư kiểu mẫu, bảo đảm thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường, an ninh trật tự, giáo dục, y tế, văn hóa, trong đó chú trọng tôn tạo cảnh quan sinh thái. Tuy nhiên, hiện tại điều kiện, nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp nên chính quyền xã mong muốn các cấp ngành tiếp tục có sự quan tâm, ưu tiên đầu tư, sớm đưa buôn Kiều trở thành điểm du lịch nông thôn mới gắn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc M’nông.

Năm 2015, xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành địa phương đứng thứ ba toàn tỉnh, đứng đầu huyện Krông Pắc về tốc độ thực hiện xây dựng NTM. Đây là kết quả sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cũng như sự đồng thuận của người dân trong thực hiện Nghị quyết 26. Đổi thay rõ nhất ở các thôn, buôn là những con đường bê tông xanh, sạch, đẹp do nhân dân chung tay xây dựng, những nếp nhà khang trang được xây mới ngày một nhiều. Nếu trước đây xã Ea Kly gặp rất nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, người dân lúng túng trong phát triển kinh tế, chưa mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật thì ngày nay các công trình hạ tầng đã được đầu tư khá đồng bộ, người dân đã biết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Diện mạo nông thôn mới ở xã Cư Kty (huyện Krông Bông) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Đinh Nga

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Ea Kly tin tưởng: Xã đang tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Bên cạnh hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình canh tác kiểu mẫu, chính quyền địa phương tập trung xây dựng các vùng chuyên canh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện toàn xã đã có 4 khu vườn kiểu mẫu được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tự động, được UBND xã hỗ trợ từ 20 - 30 triệu đồng/mô hình. Các tuyến đường kiểu mẫu được hỗ trợ xây dựng tại các thôn 6A, 7A, 8A bước đầu đem lại hiệu ứng tích cực. Nhiều gia đình đã chủ động trồng các loại hoa hai bên đường trước nhà mình, tạo nên cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Mục tiêu mà chính quyền địa phương cũng như người dân đang cùng nỗ lực, dốc sức chính là phấn đấu để xã Ea Kly đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2022.

Điểm tựa của nông dân

“Sau hơn 30 năm đất nước đổi mới, diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đắk Lắk đã đổi thay khá toàn diện, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều đó có sự góp phần tích cực của các HTX. Người nông dân đã thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng NTM, được thụ hưởng những thành quả của đổi mới mang lại” - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Huỳnh Bài.

Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng về “tam nông” đặc biệt đề cao vai trò của hợp tác xã (HTX) trong xây dựng NTM và người nông dân mới. HTX vừa là điểm tựa, vừa là cầu nối giúp những người lao động, những người sản xuất nhỏ tự nguyện tập hợp nhau lại trong một tổ chức kinh tế chung để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Thực tế cho thấy, đối với người dân tham gia mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, tính liên kết sẽ bền vững hơn. Có thể thấy rõ điều này ở HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông), nhiều năm qua đã tập hợp được nông dân xây dựng vùng nguyên liệu lúa và mía đường lên đến 600 ha, liên kết với nhiều đối tác, giảm chi phí đầu vào và tạo đầu ra ổn định cho nông dân. So với thời điểm HTX mới thành lập, lợi nhuận từ canh tác mía và lúa hiện nay của thành viên đã tăng từ 50 - 70%, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nông dân, thay đổi bộ mặt nông thôn.

Để tối ưu hóa lợi nhuận cho chuỗi sản xuất, cuối năm 2019, HTX đã xây dựng được hệ thống chế biến lúa gạo với công suất sấy 50 tấn/mẻ và dây chuyền xay xát gạo 3 tấn/giờ. HTX cũng sản xuất thử nghiệm gạo chất lượng cao với thương hiệu Thăng Bình HTB, được đón nhận tốt ở thị trường nhiều tỉnh thành như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Với những ưu thế về chất lượng và hương vị đặc trưng, sản phẩm gạo sạch Thăng Bình HTB đã được UBND tỉnh chứng nhận đạt hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

Vụ hè thu 2021, HTX bắt đầu thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc ngay từ cánh đồng. HTX đã triển khai 19 lô sản xuất có chứng nhận VietGAP, gắn mã số với tổng diện tích 60 ha. Mọi khâu chăm sóc, thu hoạch, chế biến được cập nhật trên hệ thống phần mềm theo mã số từng lô từ lúc xuống giống cho đến tay người tiêu dùng. Khách hàng chỉ cần tra cứu mã QR trên túi gạo là có thể truy xuất cặn kẽ quy trình sản xuất. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp HTX cũng như nông dân nơi đây sử dụng các hình thức thương mại trực tuyến, tham gia sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Lắp đặt hệ thống dẫn nước sạch về buôn cho người dân buôn Kiều (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) do nhóm thiện nguyện Palme’s Smile thực hiện. Ảnh: Hồ Hậu

Ông Nguyễn Thanh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kty cho biết, thành tựu lớn nhất trong nông nghiệp là đã tạo được vùng sản xuất các giống cây trồng chất lượng cao như cây mía cao sản, lúa ST24, lúa ST25, với quy mô cánh đồng mẫu lớn. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 349 tỷ đồng với mức tăng trưởng bình quân 3,46%/năm; thu nhập bình quân năm 2020 đạt 27 triệu đồng/người, tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2016. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng cao  về mọi mặt. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 chỉ còn 12,08%, giảm gần 13% so với năm 2016.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX ngày càng chủ động trong việc hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay toàn tỉnh có 77 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Ngoài ra còn có 35 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX nông nghiệp đã giúp nông dân khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp, đồng thời có cơ hội chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất. Tuy đa số HTX ở vùng nông thôn quy mô còn nhỏ, nhưng ngành nghề kinh doanh HTX ngày càng đa dạng, phong phú và có nhiều sản phẩm, giống cây trồng mới… từng bước làm tốt vai trò kết nối, dẫn dắt và cũng là điểm tựa vững chắc cho nông dân trong xây dựng NTM.

 (Còn nữa)

Lê Hương - Thuận Nguyễn - Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc