Nhập cuộc khởi nghiệp (kỳ 1)
Một nhà đầu tư nước ngoài từng giải thích về chiến lược đầu tư vào Việt Nam của mình rằng ông đang nhìn thấy ở Việt Nam “một xã hội nhập cuộc, một thế hệ trẻ bắt đầu yêu mến kinh doanh, hừng hực tinh thần khởi nghiệp”. Ở Đắk Lắk, tinh thần nhập cuộc, khởi nghiệp đang được lan tỏa…
Khởi nghiệp - trợ lực từ cơ chế đến vốn
Không chỉ có sự nhập cuộc, dấn thân của những người có khát vọng, đam mê, phong trào khởi nghiệp đang được khích lệ, thúc đẩy từ cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, đoàn thể…
"Truyền lửa" bằng cơ chế, chính sách...
Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Krông Pắc đã quan tâm tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, triển khai có hiệu quả và lan tỏa sâu rộng phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của các hội, đoàn thể.
Đại diện Công ty Vườn ươm Doanh nghiệp trao chứng nhận hoạt động cho Câu lạc bộ khởi nghiệp huyện Krông Búk. Ảnh: Khả Lê |
"Có thể nói giai đoạn 2018 – 2020 là thời kỳ các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh của tỉnh được tổ chức sôi nổi và thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động trên đã tạo dấu ấn lớn, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong toàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên”. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Huỳnh Văn Tiến
|
Từ chủ trương và hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền huyện, hơn một năm nay Chi hội DN trẻ huyện Krông Pắc được thành lập gồm 16 thành viên kinh doanh đa dạng các ngành nghề.
Chi hội đã tạo môi trường giao lưu, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN; kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm của thành viên; tạo điều kiện để thành viên tiếp cận các nguồn vốn vay tái đầu tư mở rộng sản xuất.
Chi hội cũng đã xây dựng một trung tâm khởi nghiệp của huyện, không chỉ tạo không gian cho các DN làm việc, gặp gỡ, giao lưu mà còn là nơi diễn ra các buổi cà phê mỗi sáng thứ năm vào tuần thứ ba hằng tháng để lãnh đạo Huyện ủy, UBND và các ban, ngành huyện Krông Pắc gặp gỡ DN trẻ trên địa bàn.
Tại đây, đại diện DN trẻ, nhất là những DN mới khởi nghiệp được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề đạt ý tưởng và cả những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh để các cơ quan chức năng tư vấn, giải đáp cùng tìm hướng tháo gỡ.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến khẳng định, lãnh đạo huyện rất quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN về thủ tục pháp lý, cơ hội đầu tư, xây dựng nguồn quỹ vốn khởi nghiệp cũng như tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng. Nhiều sản phẩm đã được sản xuất từ nguồn vốn khởi nghiệp của địa phương như nấm đông trùng hạ thảo, trà bò khai…
Cũng từ sự động viên, khuyến khích và tạo điều kiện về chủ trương của huyện, mới đây Chi hội doanh nghiệp trẻ huyện đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thanh niên Bazan để liên kết các DN trẻ cùng xây dựng, phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững, kết nối đầu ra tiêu thụ nông sản trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Trước mắt HTX đang triển khai trồng dứa xuất khẩu MD2 tại xã Ea Knuếc; xây dựng mô hình khép kín trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản tại xã Tân Tiến…
Nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên khởi nghiệp với Dự án Chế tạo, phát triển và sản xuất kính thiên văn. Ảnh: Khả Lê |
Xác định khuyến khích và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên cũng là tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với thực tế cuộc sống, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, trong nghị quyết hằng tháng của Đảng bộ Trường Đại học Tây Nguyên đều có nội dung chỉ đạo công tác khởi nghiệp; từ đó cụ thể hóa thành các hoạt động như: tập huấn kiến thức khởi nghiệp, hội thảo, tổ chức cuộc thi sinh viên khởi nghiệp và sáng tạo, tọa đàm, giao lưu trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp…
Trường cũng đã đưa môn học về khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy; thành lập Ban cố vấn chuyên môn Chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng Cổng thông tin hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; sắp tới sẽ thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và quan hệ DN nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường.
Nhờ sự khuyến khích, động viên và hỗ trợ đó, nhiều sinh viên đã mạnh dạn hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh sáng tạo của mình.
Đơn cử, nhóm các sinh viên ngành nông lâm, kinh tế thực hiện Dự án “Thương mại hóa sản phẩm hương cao nguyên” sản xuất xà phòng thiên nhiên và tinh dầu thảo mộc với các sản phẩm đa dạng như: xà phòng từ nghệ, trà xanh, quế, bạc hà và chanh...; tinh dầu chiết xuất từ các nguồn nguyên liệu sẵn có ở Đắk Lắk như cà phê, hương nhu, sả chanh, bạc hà...
Hay nhóm các bạn sinh viên Khoa khoa học tự nhiên và công nghệ với Dự án chế tạo, phát triển và sản xuất kính thiên văn (phản xạ) đã nhận được nhiều sự chú ý tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020.
Bằng kiến thức và sự sáng tạo của mình, các sinh viên đã nghiên cứu và tạo ra những kính thiên văn có đầy đủ chức năng có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau: từ nghiên cứu thiên văn chuyên sâu, nghiệp dư đến giáo cụ dạy học… mà giá chỉ bằng 1/4 so với giá một chiếc kính thiên văn có chất lượng tương ứng đang bán ngoài thị trường.
Hoặc các sinh viên và cựu sinh viên ngành nông lâm với những kiến thức nông nghiệp được đào tạo và tu nghiệp từ chương trình trao đổi đào tạo với Israel đã áp dụng vào khởi nghiệp trồng rau sạch…
Tiếp sức về vốn, kiến thức
Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp cũng có sự nhập cuộc tích cực của các tổ chức, đoàn thể.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Y Lê Pas Tơr cho biết, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Lắk lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024. Nhiệm vụ đó được cụ thể hóa gắn với các phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi", “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Thanh niên khởi nghiệp”, Chương trình "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"...
Bên cạnh đó, trong chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên hằng năm Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đều ban hành kế hoạch hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đến nay, cùng với tổ chức Đoàn Thanh niên, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã vận động từ các DN, mạnh thường quân ủng hộ thành lập Quỹ Khởi nghiệp với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng, đồng thời xây dựng và phát triển 112 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác vốn vay dành cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế. Hội LHTN Việt Nam tỉnh cũng đã hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp cho 41 lượt thanh niên (20 triệu đồng/lượt vay)...
Trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ trong Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2019. Ảnh: Vân Anh |
Tương tự, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cũng chú trọng vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Song hành với khuyến khích, động viên, truyền cảm hứng là giúp chị em hiện thực hóa, phát triển ý tưởng kinh doanh thành những sản phẩm khởi nghiệp, thành lập DN do phụ nữ làm chủ. Từ năm 2017 đến năm 2020, các cấp Hội đã trao vốn hỗ trợ 2.869 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số tiền hơn 41 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Phong, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” của Chính phủ, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện bằng những chương trình cụ thể như: tổ chức hội thảo, tập huấn, đối thoại, diễn đàn về chủ đề khởi nghiệp, đặc biệt là hằng năm đều tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” với chuỗi các hoạt động thiết thực… nhằm lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong phụ nữ nói riêng và cả cộng đồng nói chung.
Hồng Thủy – Khả Lê – Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc