Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới ở Ea Chai

05:08, 03/08/2021

Thôn 6 (còn gọi là thôn Ea Chai) thuộc xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) ngày nay đã “thay da đổi thịt”, với hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân đã  nâng lên đáng kể. Ít ai biết rằng, nơi đây nhiều năm về trước được ví như một “ốc đảo” với bao khó khăn, trở ngại.

Từ trung tâm huyện Krông Ana theo hướng từ cầu Bầu Gai, băng qua con đường bê tông dài khoảng 7 km, chúng tôi tìm đến khu dân cư được bao bọc bởi cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay và sông Krông Ana nước chảy hiền hòa. Thôn 6 hiện ra trước mặt với thay đổi đến lạ thường. Lối đi dẫn vào thôn không phải là con đường đất lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa như ngày nào mà là con đường bê tông trải dài thẳng tắp giữa cánh đồng lúa xanh mơn mởn.

Đường vào thôn 6 (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana).

Ông Phạm Xuân Phận, Trưởng thôn 6 – người gắn bó với nơi đây từ khoảng 30 năm về trước xúc động kể lại, sở dĩ thôn Ea Chai được ví như một “ốc đảo” vì vùng đất này được bao bọc bởi sông nước, đồng ruộng. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện khoảng 7 km nhưng việc đi lại cực kỳ khó khăn, một là đi đò ngang, hai là đi cầu phao Bầu Gai. Hằng năm, mùa mưa là lũ kéo về, hai tuyến đường này đều không thể hoạt động. Nếu mưa kéo dài, nước dâng cao thì khu dân cư gần như bị cô lập với xung quanh. Những năm gần đây nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, tạo tiền đề để thôn 6 phát triển như hiện nay.

Cuối năm 2015, cầu treo Ea Chai chính thức hoàn thành đã góp phần mở ra trang mới, dần phá thế “ốc đảo” ở vùng đất này. Bà con đi lại, giao thương, học sinh đến trường không phải qua đò ngang như trước. Tuy nhiên, cầu treo chỉ phục vụ dân sinh, việc vận chuyển nông sản, phân bón vẫn phải qua đò hoặc cầu phao. Niềm vui trọn vẹn hơn với bà con nơi đây khi công trình cầu Bầu Gai - Ea Chai hoàn thiện vào giữa năm nay. Nhờ vậy, việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của người dân ra trung tâm xã, huyện cũng thuận tiện hẳn.

Ông Phận chia sẻ, sau 10 năm, số hộ nghèo của thôn giảm còn một nửa, toàn thôn có đến 60 - 70% hộ dân thuộc diện khá giả, xây những ngôi nhà mái Thái cả tỷ đồng là điều bình thường. Thôn 6 có được sức sống mới như hôm nay đó là nhờ hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cùng với việc cải tạo, khai phá đất đai, làm lúa giống cho năng suất cao và việc đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm của nhiều hộ dân.

Chẳng hạn như trang trại nuôi vịt của hộ anh Đặng Văn Đảo, một trong những hộ có quy mô chăn nuôi vịt lớn nhất nhì trong thôn. Anh Đảo tâm sự, trước kia người dân nơi đây rất khó khăn, thời bố mẹ anh chỉ dám nuôi vịt theo quy mô nhỏ lẻ, không mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm trang trại vì sợ thua lỗ. Đến năm 2008, anh lấy vợ ra ở riêng, quyết định dùng 3 sào đất của gia đình để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi vịt đẻ.

Trải qua không ít lần thất bại, song cùng với những kinh nghiệm bố mẹ truyền lại, anh tích cực mày mò, đi thực tế ở nhiều mô hình để dần áp dụng vào hoạt động chăn nuôi của gia đình. Từ đó anh quyết định đầu tư mở thêm hệ thống lò ấp trứng để tự sản xuất con giống cho trang trại và phục vụ người dân. Đến nay, anh đã sở hữu được một trang trại 6 sào đất, quy mô 4.000 vịt đẻ trứng và hệ thống lò ấp công suất từ 13.000 - 16.000 trứng mỗi lứa.

Căn nhà lợp mái Thái mới xây khang trang của gia đình chị Võ Thị Hằng (thôn 6, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana)

Với ưu thế đất ven sông có phù sa bồi đắp nhiều nên cây lúa là cây chủ lực cho năng suất cao, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ dân thôn 6 đã làm giàu từ cây lúa nước. Hộ chị Võ Thị Hằng là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ việc sản xuất lúa nước.

Chị Hằng bộc bạch: “Tôi là người gốc Huế, vợ chồng tôi từ quê vào đây lập nghiệp. Trước đây, đất ở đây toàn là đất hoang, nhờ khai phá, cải tạo mới sở hữu được 3 ha đất để trồng trọt, chăn nuôi. Sau nhiều năm cải tạo, từ vùng đất hoang hóa trở nên màu mỡ, cùng với đó vợ chồng tôi cũng mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và thay đổi giống lúa. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình tôi thu được khoảng 60 tấn lúa tươi, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng”.

Ông Trần Đăng Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết, thôn 6 là vựa lúa nước lớn của xã Bình Hòa nói riêng, huyện Krông Ana nói chung, với khoảng 700 ha. Với thế mạnh này, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân thôn 6 ngang bằng với những hộ dân các thôn khác trong xã.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.