Multimedia Đọc Báo in

Nhiều mô hình sinh kế hiệu quả ở Cuôr Knia

07:05, 17/08/2021

Cuôr Knia (huyện Buôn Đôn) là xã vùng 3, còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền và người dân nơi đây đã tranh thủ tận dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế.

Xã có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, chủ yếu làm nông nghiệp, đất đai không màu mỡ, khí hậu khắc nghiệt nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm tới 50% tổng số hộ.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, xã Cuôr Knia đã tận dụng các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, mô hình sinh kế cho người dân. Trong năm 2020, từ nguồn vốn ngân sách 2,5 tỷ đồng, xã đã triển khai nâng cấp gần 1,5 km đường giao thông nội thôn, nội đồng; từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững của Nhà nước và vốn đối ứng của người dân trị giá hơn 1 tỷ đồng, xã đã triển khai các mô hình sinh kế cho 58 hộ ở các thôn, gồm dự án nuôi gà ta lai chọi và dự án nuôi bò.

Chị Riêu Thị Tươi trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều hộ đã chủ động, chịu khó học hỏi để phát triển kinh tế. Như gia đình chị Riêu Thị Tươi (thôn Sình Mây) có 1 ha đất, trước đây trồng lúa và hoa màu theo phương thức truyền thống nên năng suất kém, đầu ra sản phẩm bấp bênh, thu nhập không ổn định. Sau khi được tham dự các lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp do xã tổ chức, chị đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Qua tìm hiểu, nhận thấy nơi đây phù hợp với việc trồng dâu, nuôi tằm nên đầu năm 2021, chị sang tỉnh Lâm Đồng học nghề này, rồi về cải tạo toàn bộ 1 ha trồng rau màu làm nghề mới. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, ở lứa tằm đầu tiên (1 hộp giống), sau 15 ngày chăm sóc chị đã thu trên 50 kg kén, bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg. Chị Tươi cho hay, đó là sản lượng kén của tháng đầu, sau này, khi đã làm quen thì mỗi lứa cho thu khoảng 70 kg kén, giá bán cũng cao hơn, khoảng 140.000 đồng/kg, trừ hết chi phí đầu tư thì khoảng 1 năm sẽ cho thu lãi. Nếu hết năm nay, nuôi thành công nhiều lứa tằm và có kinh nghiệm, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi trồng, đồng thời sẽ truyền kinh nghiệm, cung cấp giống cho những hộ trong thôn muốn nuôi, vì nhu cầu tiêu thụ tằm của các đơn vị, cơ sở may mặc rất cao.

Tương tự, gia đình anh Sầm Văn Thăng (thôn Sình Mây) đã chuyển hướng sang chăn nuôi sau nhiều năm làm rẫy, trồng cà phê, tiêu không hiệu quả. Anh tự tìm hiểu các mô hình hay qua nhiều kênh như Hội Nông dân xã, mạng Internet, đi tham quan… rồi quyết định học cách nuôi hươu lấy nhung. Năm 2019, anh Thăng gom góp vốn mua 8 con hươu, cả đực và cái về nuôi thử nghiệm.

Anh Sầm Văn Thăng chăm sóc đàn hươu.

Anh Thăng chia sẻ, thời gian đầu còn bỡ ngỡ về kỹ thuật nuôi nhốt nên khá vất vả, nhưng anh kiên trì vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm nên cũng quen dần, sau 2 năm chăn nuôi bắt đầu thu được kết quả, hươu đực đã cho thu 3 cặp nhung, hươu cái đẻ được 6 con. Hiện anh đang muốn mở rộng phát triển đàn hươu, do đầu ra được trang trại cung cấp giống bao tiêu sản phẩm, hơn nữa từ ngày đường giao thông được mở rộng, nâng cấp sạch sẽ, việc đi lại, giao thương cũng thuận tiện hơn.

Trên địa bàn xã Cuôr Knia còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh giỏi như hộ ông Phạm Văn Tuấn, Đàm Văn Cau… chăn nuôi, trồng trọt; hộ ông Tạ Quang Trường kinh doanh dịch vụ vận tải; Hợp tác xã sản xuất kinh doanh cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái với 17 thành viên và Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản với 10 thành viên…

Ông Nguyễn Duy Thanh, Chủ tịch UBND xã Cuôr Knia cho biết, năm 2020 trên địa bàn xã có trên 1.356 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số vốn trên 32 tỷ đồng theo diện vay vốn xóa đói giảm nghèo, sản xuất kinh doanh. Nói chung các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho bà con có thể vay vốn mở rộng sản xuất, tiếp cận khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp, từng bước đưa đời sống đi lên, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương..

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.