Thu nhập khá với nhãn Hương chi
Trước đây, khu vườn diện tích 2 ha của gia đình chị Lê Thị Yến (ở thôn Thanh Hợp, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) chủ yếu trồng cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu, nhận thấy cây nhãn Hương chi phù hợp với chất đất và khí hậu ở địa phương, chị Yến bàn với gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Năm 2016, chị Yến tìm đến một vài mô hình trồng nhãn Hương chi cho hiệu quả cao ở huyện M’Drắk để học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn nhãn của gia đình chị phát triển tốt. Chị Yến còn nghiên cứu, điều chỉnh cho nhãn ra quả trái vụ, chất lượng quả ngọt thanh, rất được khách hàng ưa chuộng.
Chị Yến kiểm tra chất lượng quả nhãn trước khi thu hái. |
Tại những phần đất trống trong vườn nhãn, chị Yến còn trồng xen kẽ 400 cây vải, 300 cây quýt đường. Vườn nhà chị mùa nào thức ấy, hầu như tháng nào gia đình chị cũng có thu nhập từ các loại cây ăn trái.
Đến nay, gia đình chị Yến đã có hơn 5 sào nhãn Hương chi đang cho thu hoạch. Niên vụ này, gia đình chị thu hoạch được hơn 2 tấn (giá bán từ 22.000 - 25.000 đồng/kg), cùng với 2 tấn vải U hồng, 5 tạ quýt đường; sau khi trừ chi phí gia đình chị lãi 50 triệu đồng. Chị Yến còn chiết cành bán nhãn giống với giá bán 25.000 đồng/cây.
Chị Yến chia sẻ, nhãn Hương chi chịu hạn tốt, sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc và công đầu tư ít so với nhãn cùi, nhãn tiêu da bò. Tuy nhiên, nhãn Hương chi thường bị nhiều sâu bệnh hại như rệp hại hoa, bọ xít, quả non, sâu đục đầu quả, sâu đục thân cành, ngài chích hút... nên người trồng cần phải thường xuyên thăm vườn quan sát, phát hiện kịp thời để có biện pháp phòng tránh. Tuy nhiên, không nên lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Khi bón phân, cần kết hợp sử dụng thêm những loại phân có chứa vi sinh vật có lợi; sau khi thu hoạch quả là thời gian cây bị mất sức nên muốn tạo đà cho vụ sau thì cần chăm bón, tỉa cành, tạo tán cho cây..
Đoàn Dũng
Ý kiến bạn đọc