Multimedia Đọc Báo in

Các dự án điện gió trước nguy cơ trễ hẹn

08:32, 17/09/2021

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến kế hoạch “chạy đua” để đóng điện vận hành thương mại trước tháng 11-2021 của các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ đổ bể vì thời điểm này đã rất cận kề.

Theo Quyết định số 39/TTg, ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/TTg, ngày 29-6-2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 39), đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT, tương đương 8,5 Uscents/kWh).

Giá mua điện được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày phát điện.

Với giá mua điện này thì các dự án điện gió sẽ có lãi và bảo đảm khả năng hoàn vốn cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, thời điểm “chốt hạ” để các dự án hưởng giá bán điện ưu đãi chỉ còn hơn một tháng nữa, trong khi các dự án vẫn chưa thi công xong, khiến chủ đầu tư như "ngồi trên đống lửa".

Thi công dự án điện gió Ea Nam (huyện Ea H'leo).

Toàn tỉnh hiện có 47 dự án điện gió đăng ký đầu tư, với tổng công suất khoảng 10.000 MW. Riêng trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án điện gió (tổng công suất 657 MW) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh với 6 dự án (tổng công suất 85 MW). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 8 dự án điện gió (685 MW). Hiện có 5 dự án đang triển khai xây dựng với mục tiêu phát điện thương mại trước ngày 1-11-2021.

Cụ thể, 4 dự án điện gió tại các xã Cư Né, Cư Pơng, Cư Kpô, Ea Sin (huyện Krông Búk) có tổng quy mô công suất 200 MW, kinh phí thực hiện 7.673 tỷ đồng. Tiến độ dự kiến của các dự án này là hoàn thành các thủ tục pháp lý để khởi công vào tháng 4-2021 và hoàn thành xây dựng, hòa lưới điện quốc gia trước tháng 11-2021. Các nhà đầu tư cũng đã triển khai thi công khẩn trương, liên tục, nhưng khối lượng xây dựng công trình mới chỉ đạt 40 – 50%. Với thực trạng này, các dự án rất khó để về đích trong tháng 10-2021 như kế hoạch ban đầu.

Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 15-7-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, đến năm 2025 công suất vận hành thương mại các dự án điện gió toàn tỉnh sẽ đạt 1.000 MW.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy điện gió Ea Nam do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đầu tư được xem là một trong những dự án điện gió có quy mô lớn nhất trong cả nước hiện nay, với công suất thiết kế 400 MW, có quy mô 84 trụ gió, kết hợp hệ thống 1,2 km đường dây 500 kV, tổng mức đầu tư 16.500 tỷ đồng.

Dự án được thực hiện tại 3 xã Ea Nam, Ea Khal, Dliê Yang (huyện Ea H’leo), dự kiến đi vào hoạt động vào ngày 30-10-2021, sản lượng điện năng sản xuất khoảng 1,1 tỷ kWh/năm. Để có thể bảo đảm tiến độ, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tập trung tổng lực thi công liên tục 3 ca, siết chặt công tác phòng, chống dịch bệnh để phục vụ xây dựng, lắp đặt thiết bị. Nhưng đến nay, dự án này mới chỉ thi công được hơn 80% khối lượng công trình.

Một dự án điện gió tại huyện Ea H'leo đang thi công cột gió.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, các doanh nghiệp điện gió đã tích cực, khẩn trương tiến hành những thủ tục pháp lý, triển khai thi công; đồng thời, chính quyền địa phương các cấp đã tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa dự án vào vận hành thương mại trước trước ngày 1-11-2021.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc. Đặc biệt là tình hình dịch COVID-19 trên toàn thế giới rất phức tạp, kéo dài khiến tiến độ cung cấp tuabin gió bị chậm so với hợp đồng mua bán đã ký kết, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng bị gián đoạn. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên việc vận chuyển thiết bị tuabin gió (hàng siêu trường, siêu trọng) gặp khó khăn; cán bộ, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định, người lao động thi công trên công trình cũng hạn chế.

Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng dự án điện gió, nhất là hạng mục trạm biến áp 500 kV, đường dây 500 kV cần nhiều thời gian để hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công. Với những khó khăn, vướng mắc trên, vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép gia hạn thời gian doanh nghiệp được áp dụng giá mua điện gió theo Quyết định 39 đến ngày 1-11-2022.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.