Multimedia Đọc Báo in

Đi chợ online

07:57, 14/09/2021

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kéo dài, thay vì cách mua hàng truyền thống thì xu hướng mua qua mạng Internet (online) ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng chuyển đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.

Hơn một tháng nay, TP. Buôn Ma Thuột trải qua hai đợt giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và người dân phải đi mua sắm bằng hình thức phiếu đi chợ (3 ngày/lần) nên nhu cầu mua hàng online tăng lên đáng kể. Chị Đặng Thị Lan (phường Ea Tam) chia sẻ, vì hạn chế ra đường để bảo đảm an toàn, thời gian này, từ lương thực, thực phẩm hay các nhu yếu phẩm thiết yếu khác, gia đình chị đều đặt hàng online qua Zalo, Facebook, các website…

Một điểm bán hàng của Núi Xanh mart trên đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột).

Lựa chọn mua hàng online như chị Lan cũng là nhu cầu chủ yếu của hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở TP. Buôn Ma Thuột. Do đó, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị bán các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh đã phải thay đổi cách thức bán hàng để vừa đảm bảo an toàn mà vẫn có thể duy trì công việc kinh doanh.

Điển hình như Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh vốn sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi giá trị khép kín cùng các dịch vụ chuyên nghiệp như thầu bếp ăn, cung cấp suất ăn chín cho trường học và bếp ăn công nghiệp, cung cấp thực phẩm cho các siêu thị… nhưng từ khi dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trên địa bàn tỉnh, công ty đã chuyển hướng qua đầu tư chuỗi siêu thị bán lẻ và chú trọng bán online.

Ông Nguyễn Tấn Long, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Núi Xanh cho biết, từ tháng 7-2021 đến nay, công ty đã mở thêm hai điểm bán hàng Núi Xanh mart trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nhằm cung cấp thực phẩm chế biến sẵn tiện lợi, rau củ quả tươi ngon chuẩn VietGAP, hải sản, cá, thịt tươi. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống kho lạnh bảo quản thực phẩm, đơn vị còn đầu tư xây dựng hệ thống bán hàng online qua điện thoại, Zalo, Facebook, website…

Sắp tới là đẩy mạnh truyền thông trên các kênh như Youtube, Tiktok... và phát triển thêm nhiều điểm bán hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Với phương châm của công ty là "đi chợ thay cho khách hàng" và đảm bảo nguồn thực phẩm tươi xanh "từ nông trại đến bàn ăn", người tiêu dùng chỉ cần chọn sản phẩm và chờ Núi Xanh giao đến tận nhà. Đơn vị còn đưa ra các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng như: Chương trình mở thẻ tích điểm 2% mỗi ngày, miễn phí vận chuyển cho đơn hàng đủ điều kiện, tặng quà sinh nhật tri ân cho khách hàng VIP…Hay như Siêu thị Thành Phát Bakery Buôn Ma Thuột, ngoài kinh doanh dịch vụ ăn uống, từ tháng 6-2021, siêu thị đã mở thêm gian hàng hóa mỹ phẩm. Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào tháng 7, đơn vị đã khai trương website bán hàng online và đẩy mạnh hoạt động mua -  bán qua mạng, giao hàng tận nơi.

Mặc dù hình thức mua bán online đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp lựa chọn, nhưng cũng không thể tránh khỏi những "lăn tăn" nhất định. Nhiều doanh nghiệp, người dân đang áp dụng phương thức mua - bán online có chung một nỗi băn khoăn lớn đó là khách hàng không được tự tay lựa chọn, chủ yếu là người mua đặt gì thì nhân viên lấy thứ đó nên nhiều khi giao hàng không đúng ý. Hơn nữa, việc cung ứng hàng hóa hiện nay của các nhà cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng cũng rất khó khăn và quá tải do còn rất ít đơn vị cung ứng đủ điều kiện làm việc. Có thể hôm trước họ báo có hàng, nhưng hôm sau lại không có để giao, hay chậm trễ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy khi khách đặt hàng online thì sẽ gặp tình trạng thứ có, thứ không.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy xu hướng bán hàng online tăng trưởng, biện pháp thiết thực nhất đó là cần xây dựng chế tài cho việc thực hiện quy định và bán hàng trên tất cả các trang mạng. Vì chỉ kiểm soát chặt mới có thể đảm bảo người tiêu dùng được hưởng những sản phẩm tốt.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.