Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ nông dân Krông Búk tiêu thụ nông sản

08:10, 20/09/2021

Huyện Krông Búk có gần 623 ha sầu riêng Dona và bơ booth với sản lượng dự kiến khoảng 4.400 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã Cư Né, Tân Lập, Ea Sin…

Hiện sầu riêng Dona, bơ booth của huyện đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc lưu thông, vận chuyển nông sản ra ngoài huyện gặp khó khăn trong khi chi phí bốc dỡ, vận chuyển tăng cao nhưng giá cả sầu riêng giảm khoảng 20 - 40% so với năm ngoái nên người dân thất thu đáng kể.

Gia đình ông Nguyễn Minh Thanh ở thôn 6 (xã Pơng Drang) có 100 cây sầu riêng trồng xen canh trong vườn cà phê. Cuối tháng 6-2021, sầu riêng bắt đầu vào vụ, nhiều thương lái đã đến tận nơi thỏa thuận thu mua toàn bộ vườn với giá 47.000 đồng/kg, nhưng ông không bán với hy vọng giá sẽ tăng thêm khi đến kỳ thu hoạch.

Dịch bệnh bùng phát, thị trường tiêu thụ lẫn khâu vận chuyển đều khó khăn. Các chợ dân sinh trên địa bàn huyện cũng áp dụng biện pháp kiểm soát dịch, hạn chế người ra, vào khiến việc tiêu thụ nông sản “khó càng thêm khó”.

Ông Thanh rầu rĩ nói: "Gia đình tôi vừa bán sầu riêng Dona với giá 33.000 đồng/kg, thấp hơn mọi năm rất nhiều, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác. Sầu riêng chín rộ nếu không bán sẽ nhanh bị hư hỏng, thiệt hại còn nặng hơn”.

Thương lái đến tận vườn sầu riêng ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) thu mua.

Theo ngành nông nghiệp huyện Krông Búk, giá sầu riêng giảm mạnh ngoài nguyên nhân vận chuyển bị tắc nghẽn, thị trường xuất khẩu khó khăn, lý do khác là cùng một thời điểm có hàng chục nghìn héc-ta sầu riêng trên địa bàn Tây Nguyên cho thu hoạch, trong khi thời gian thu hoạch ngắn nên thương lái, doanh nghiệp không thể thu mua kịp.

 

“Các tổ hỗ trợ thu mua nông sản trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Huyện sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái vào địa bàn thu mua để vừa tiêu thụ lượng nông sản tồn đọng, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch”.

 
Ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk

Trước thực tế đó, để giúp việc tiêu thụ sầu riêng, bơ được thuận lợi, UBND huyện đã thành lập Tổ thường trực hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn, công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin tiêu thụ nông sản; hướng dẫn, hỗ trợ thương lái, doanh nghiệp, chuyên gia kỹ thuật ra, vào huyện trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Đến nay, chính quyền địa phương đã giúp người dân tiêu thụ được 996 tấn sầu riêng, gần 95 tấn bơ. Hiện UBND huyện đã kết nối với các doanh nghiệp, thương lái thu mua toàn bộ sầu riêng và bơ của nông dân trên địa bàn đến kỳ thu hoạch.

Đơn cử tại xã Cư Né có 137 ha sầu riêng và 53 ha bơ booth. Những ngày qua, chính quyền xã đã kết nối cho thương lái, doanh nghiệp đến địa bàn thu mua nông sản, bảo đảm quy định phòng, chống dịch bệnh. UBND xã bố trí tổ, đội chống dịch ở các tuyến đường, cửa ngõ ra vào vùng nông sản tập trung của địa phương để hỗ trợ phương tiện, người thu mua thuận tiện. Đặc biệt là tạo điều kiện cho thương lái tiếp cận người dân thực hiện ký hợp đồng mua bán phù hợp với giá cả của thị trường; giám sát, theo dõi tình trạng các đơn vị, cá nhân thu mua ép giá nông dân để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chính quyền xã Cư Né hướng dẫn thương lái thực hiện quy định phòng, chống dịch khi thu mua nông sản tại vườn.

Hợp tác xã Anh Đức (xã Cư Né) là một trong những doanh nghiệp đảm bảo điều kiện thu mua nông sản tại huyện trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Với phương châm kinh doanh một đầu mối, một hợp đồng, trong vụ sầu riêng năm nay, Hợp tác xã đã thu mua được gần 100 tấn sầu riêng trên địa bàn huyện để xuất khẩu trực tiếp sang Thái Lan, Lào, Campuchia.

Theo hợp đồng đã ký kết với các chủ vườn, hợp tác xã còn khoảng 100 tấn sầu riêng Dona đang chờ đến thời điểm đạt độ chín theo tiêu chuẩn sẽ tiến hành thu hoạch. Hiện nay, Hợp tác xã đang có nhu cầu thu mua sầu riêng Dona số lượng không giới hạn trên địa bàn huyện, do đó người trồng sầu riêng không lo lắng về đầu ra giữa mùa dịch bệnh.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.