Phát triển TP. Buôn Ma Thuột: Động lực từ những cơ chế đặc thù
TP. Buôn Ma Thuột đang trên hành trình xây dựng một đô thị hiện đại, giàu bản sắc và là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Để thực hiện được mục tiêu ấy, thành phố rất cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, tạo động lực cho phát triển.
Kết luận 67-KL/TW, ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng văn bản pháp luật cho phép TP. Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm tính thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố khác trong cả nước.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung, cơ chế, chính sách đặc thù là thực sự cần thiết, phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, nhằm tạo điều kiện cho TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư để phát triển nhanh và bền vững, theo đúng định hướng, mục tiêu của Kết luận 67.
Bảo tàng Thế giới cà phê - một trong những điểm nhấn của TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Thành |
Trên cơ sở tầm nhìn, chủ trương của Trung ương, UBND tỉnh đã trình các bộ, ngành xem xét trước khi tham mưu Chính phủ trình Quốc hội về Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột. Đề án này có 8 nội dung, được xây dựng phù hợp với đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố và tỉnh, tạo đột phá huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng để thành phố thực sự trở thành đô thị trung tâm và là cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên.
Mặc dù tập trung cho TP. Buôn Ma Thuột, nhưng về chiến lược, tỉnh cũng tính toán để thu hút đầu tư vào địa bàn các huyện, thị xã, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu, lao động, tạo sự phát triển bền vững cho cả tỉnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị
|
Một trong những cơ chế, chính sách nổi bật mà Đắk Lắk đề xuất với Trung ương là tỉnh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% tổng số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, tỉnh có đặc thù là chi thường xuyên rất lớn, nhưng thu ngân sách của tỉnh chỉ mới đáp ứng khoảng 40 – 45% tổng nhu cầu chi, phần còn lại phải nhận bổ sung từ Trung ương. Do đó, ngân sách tỉnh không có dư địa tài chính để đầu tư phát triển cho tỉnh và các dự án trọng điểm của TP. Buôn Ma Thuột. Hiện, địa phương đang được vay lại vốn vay nước ngoài cho 5 dự án, tổng mức đầu tư hơn 1.948 tỷ đồng. Tỉnh đề nghị nâng hạn mức vay lên 60%, với dư nợ vay tối đa 3.824 tỷ đồng/năm (tính theo dự toán năm 2021), tăng 2.550 tỷ đồng so với quy định hiện hành thì mới đáp ứng đủ nhu cầu huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng của tỉnh và thành phố.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh dự kiến đầu tư một số chương trình, dự án ODA trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để cải thiện cơ sở hạ tầng, với tổng mức đầu tư 4.004 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư công giai đoạn này của tỉnh khoảng hơn 54.000 tỷ đồng, tuy nhiên khả năng cân đối vốn từ các nguồn chỉ đạt 25.636 tỷ đồng (47%). Do đó, tỉnh kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng cơ chế là vay lại với tỷ lệ 10% vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và ngân sách Trung ương bố trí 100% vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trên địa bàn thành phố. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, áp dụng cơ chế, chính sách này sẽ tạo điều kiện cho tỉnh có thể huy động được nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ nước ngoài để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, phù hợp với điều kiện, khả năng cân đối ngân sách của địa phương, bảo đảm an toàn, bền vững nợ công và đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
Sản xuất cà phê bột tại Công ty Cà phê An Thái (Khu công nghiệp Hòa Phú). Ảnh: Hoàng Gia |
Trong đề án trình Trung ương, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP (đối tác công - tư) đối với các công trình đường cao tốc kết nối TP. Buôn Ma Thuột với các tỉnh, thành phố trong khu vực không quá 70% tổng mức đầu tư dự án (quy định hiện hành là 50%); đồng thời, ngân sách tỉnh vay lại nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Kiến nghị này xuất phát từ thực tiễn là các công trình cao tốc kết nối TP. Buôn Ma Thuột với các địa phương có tổng mức đầu tư rất lớn. Đơn cử, cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang có tổng mức dự kiến 19.000 tỷ đồng nên cần nhiều nguồn lực khác nhau như kêu gọi đầu tư hình thức PPP và vay từ phát hành trái phiếu. Trường hợp vốn tham gia của Nhà nước không quá 70% sẽ thu hút được các nhà đầu tư tham gia dự án, tạo điều kiện cho tỉnh huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng kết nối vùng miền, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đề xuất với Trung ương một số nội dung khác như: Bổ sung tiêu chí làm cơ sở phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương cho thành phố được xác định là đô thị trung tâm vùng; Tỉnh được phân bổ thêm 50% mức chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách năm 2022 để phân bổ thêm cho thành phố; Cho phép HĐND tỉnh được quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí; Cho tỉnh hưởng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh để tạo nguồn lực đầu tư; Áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích thương mại dịch vụ tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Những cơ chế, chính sách này là rất cần thiết, tạo thêm nguồn lực để đầu tư cho phát triển.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc