Tạo đà cho thế mạnh nông nghiệp và du lịch
Với thế mạnh về nông nghiệp, huyện Krông Ana là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm chủ lực được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu và được thị trường đón nhận.
Khẳng định vị thế gạo – nấm Krông Ana
Huyện Krông Ana có tổng diện tích gieo trồng trên 30.500 ha, trong đó, diện tích gieo trồng cây lâu năm (cà phê, ca cao, tiêu…) gần 15.200 ha, cây hằng năm hơn 15.300 ha, riêng trồng lúa có hơn 11.000 ha.
Chỉ tính riêng lúa gạo, hằng năm đóng góp trên 20% vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện. Trong những năm qua, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó đã tạo ra các giống lúa, loại gạo cho năng suất, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng như: ST24, RVT, HT1, VS1, OM4900, OM6162... Năng suất lúa trung bình đạt từ 7,5 - 8 tấn/ha; bình quân hằng năm tổng sản lượng lúa đạt trên 75.000 tấn, với tổng giá trị trên 525 tỷ đồng/năm.
Nông dân xã Bình Hòa, huyện Krông Ana thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2021. |
Đầu tháng 10-2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. Đến nay, có 2 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được huyện cấp quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. Các HTX này đã và đang xây dựng mô hình liên kết sản xuất sản phẩm lúa gạo theo chuỗi giá trị, từng bước khẳng định sản phẩm gạo trên thị trường.
Cùng với đó, với lợi thế tận dụng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp tại chỗ, điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Krông Ana có thể trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu quanh năm với quy mô hộ gia đình. Theo thống kê, toàn huyện có 2 HTX, 4 trang trại, 2 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh nấm, với khoảng hơn 200 hộ dân tham gia.
Ngày 31-5-2021, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nấm Krông Ana”. Như vậy, nhãn hiệu “Nấm Krông Ana” là sản phẩm thứ hai của địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ sau nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Krông Ana Hoàng Minh Giám khẳng định, việc tạo lập nhãn hiệu chứng nhận (thương hiệu) cho sản phẩm nông nghiệp của huyện là một định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản, phát triển thị trường. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của huyện.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng đến khu du lịch
Bên cạnh phát triển nông nghiệp, huyện Krông Ana có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nông thôn, sinh thái và du lịch cộng đồng. Trên địa bàn huyện có cụm thác Gia Long (Dray Sáp thượng), thắng cảnh Dray Nur tại buôn Kuốp (xã Dray Sáp) và Khu du lịch sinh thái Hồ Sen (thị trấn Buôn Trấp).
Thắng cảnh thác Dray Nur tại xã Dray Sáp (huyện Krông Ana). Ảnh: Chân Lê |
Tuy nhiên, việc phát triển dịch vụ du lịch của huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, các sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, nguồn thu ngân sách từ hoạt động du lịch chưa đáng kể.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoàng Minh Giám cho biết, để từng bước khắc phục những hạn chế, những năm gần đây, huyện Krông Ana đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến các khu, điểm du lịch.
Theo đó, từ các nguồn vốn, huyện đã phân bổ đầu tư xây dựng bờ kè mái thượng Hồ Sen, kinh phí trên 8 tỷ đồng; xây dựng đường giao thông đến buôn Kuốp, kinh phí 35 tỷ đồng. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư làm đường giao thông đoạn từ chợ Dray Sáp đến vị trí tiếp giáp với đoạn đường vào buôn Kuốp để tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan các cụm thác.
Mặt khác, huyện đang xây dựng Nghị quyết phát triển du lịch Krông Ana giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tại buôn Kuốp (xã Dray Sáp).
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc