Multimedia Đọc Báo in

Thanh toán trực tuyến phát triển mạnh

06:57, 21/09/2021

Thời gian gần đây, thanh toán trực tuyến (TTTT) được người dân, doanh nghiệp, các tổ chức áp dụng khá phổ biến. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hình thức giao dịch, thanh toán này lại càng phát triển vì những ưu điểm của nó mang lại.

Chị Phạm Thị Thu Trang (khối 6, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, mấy tháng gần đây, chị chủ yếu làm việc tại nhà nên gần như không tiêu đến tiền mặt, bởi khi cần mua đồ dùng, lương thực, thực phẩm… đều thanh toán bằng chuyển khoản hoặc đi siêu thị online qua ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại. Chị cho biết, hình thức này thuận tiện, đơn giản và đặc biệt là không phải thanh toán bằng tiền mặt và cầm lại tiền thừa nên hạn chế nguy cơ dịch bệnh.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Hiền (khối 5, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) hơn một năm nay rất ít đi chợ truyền thống vì khi cần mua hàng hóa đều bằng hình thức online và trả tiền bằng chuyển khoản qua ứng dụng Mobile Banking. Bên cạnh đó, các khoản tiền điện, nước, Internet đều được chị đăng ký trả bằng hình thức tự động trừ trong tài khoản ngân hàng. Theo chị Hiền, việc TTTT, không dùng tiền mặt tuy có đôi chút bất tiện khi mua hàng ở quán tạp hóa nhỏ hoặc đồ ít tiền, nhưng cái lợi là không tiếp xúc trực tiếp với người khác và quản lý chi tiêu gia đình trên điện thoại cũng thuận lợi hơn.

Khách hàng làm thủ tục liên quan đến dịch vụ tại Công ty Điện lực Đắk Lắk.

Để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh, các ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều hình thức hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử như Internet Banking, Mobile Banking, ứng dụng ngân hàng điện tử. Bên cạnh đó, ngân hàng chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp để triển khai cung ứng dịch vụ TTTT, ứng dụng thanh toán điện tử đối với các dịch vụ công. Những hình thức TTTT mang lại lợi ích cho các bên liên quan, từ khách hàng, đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ và cả các ngân hàng, đối tác thu hộ. Đây cũng là xu thế phổ biến trong bối cảnh hạ tầng kỹ thuật ngành ngân hàng ngày càng hiện đại, mức độ tiếp nhận công nghệ số của người dân tăng lên. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt cũng là giải pháp hiệu quả để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 qua tiếp xúc hằng ngày.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cũng đã tăng cường nhiều giải pháp phục vụ TTTT, tạo điều kiện cho khách hàng lựa chọn hình thức giao dịch phù hợp, hạn chế sử dụng tiền mặt và thanh toán trực tiếp. Đơn cử, tại Công ty Điện lực Đắk Lắk đã áp dụng nhiều hình thức thu tiền điện trực tuyến như: Qua website chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Trung, thanh toán bằng hình thức trích nợ tự động, internet banking/mobile banking, các tổ chức trung gian hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các hình thức TTTT mang lại lợi ích cho doanh nghiệp là không cần nhiều nhân viên thu tiền, hạn chế sai sót thông tin; còn với khách hàng không cần phải nhớ mã hóa đơn như thanh toán trực tiếp. Công ty hiện có 570.000 khách hàng, trong đó có 55,13% khách hàng sử dụng TTTT. Đơn vị phấn đấu đến cuối năm nay, tỷ lệ này đạt hơn 62%.

Tương tự, từ đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk cũng đẩy mạnh các hình thức thanh toán tiền nước qua ủy nhiệm thu từ các ngân hàng bằng hình thức thanh toán tự động, chuyển khoản đến số tài khoản của công ty mở tại các ngân hàng, thanh toán qua các điểm thu hộ, điểm có dịch vụ thanh toán VNpay, Payoo, ví điện tử Momo và các cửa hàng tiện tích như Thế giới di động, Bách hóa xanh. Công ty hiện có 80.000 khách hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, trong đó có 20% khách hàng thực hiện TTTT. Với các hình thức này, khách hàng có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi với một vài thao tác đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí, nhất là hạn chế rủi ro khi tập trung đông người trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Theo quy định của UBND tỉnh, từ ngày 15-7, các hộ gia đình, cá nhân giao dịch thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai bên cạnh thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tiếp, có thể thanh toán bằng hình thức trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.