Multimedia Đọc Báo in

Tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất

06:48, 08/09/2021

Thời gian qua, song song với cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân ở huyện Krông Bông đã chú trọng tích tụ ruộng đất nhằm hướng tới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Đức Giờ (45 tuổi) đến lập nghiệp ở thôn Điện Tân (xã Cư Pui) từ năm 1993. Ban đầu, ông khai hoang được 1 ha đất trồng đậu các loại, sau đó mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mía và gia công ép đường mật.

Với mục đích đa dạng hóa các loại cây trồng, hằng năm ông Giờ tích lũy vốn để mua sắm các phương tiện sản xuất và khai hoang, mua thêm đất mở rộng diện tích sản xuất. Với cách làm này, đến nay ông Giờ đã có 70 ha đất sản xuất trồng đa dạng các loại cây; trong đó có 20 ha cao su đã cho thu hoạch, 20 ha rừng keo lai năm thứ hai, 15 ha ngô lai và 15 ha sắn cao sản.

Để cơ giới hóa nông nghiệp, ông đầu tư 200 triệu đồng mua máy trồng sắn (công suất trồng 5 ha/ngày), máy đào sắn (công suất 2 ha/ngày), máy tỉa và thu hoạch ngô (công suất tỉa ngô 3 ha/ngày, công suất thu hoạch ngô 25 tấn/ ngày). Hiện mỗi vụ gia đình ông thu bình quân 120 tấn ngô, 220 tấn sắn và bán mủ cao su. Sau khi trừ mọi chi phí, ông lãi ròng từ 600 đến 700 triệu đồng.

Diện tích vườn rộng 4 ha của gia đình ông Mai Phi (buôn Ngô, xã Hòa Phong).

Cũng tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, ông Ama Hiêm, dân tộc Êđê ở buôn Tliêr (xã Hòa Phong) từ chỗ chỉ có 2 ha trồng hoa màu, đậu, bắp đến nay đã có 20 ha đất nông nghiệp, trong đó 0,7 ha gần ao, hồ được ông cải tạo thành ruộng nước hai vụ, mỗi năm thu gần 15 tấn lúa. Ngoài ra gia đình ông còn có 3 ha trồng ngô, trung bình mỗi vụ thu 20 tấn; số diện tích còn lại được ông trồng rừng. Sản xuất quy mô lớn, đa dạng cây trồng đã mang lại cho gia đình Ama Hiêm nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gắn việc tích tụ ruộng đất với chuyển đổi cây trồng, ông Mai Phi ở buôn Ngô A (xã Hòa Phong) cũng có cách làm khá bài bản. Trước đây, cha mẹ ông có 1,2 ha đất trồng cà phê, nhưng diện tích manh mún, mỗi nơi một vài sào, khó khăn cho việc đầu tư chăm sóc. Thấy vậy, ông Phi xin nhận lại số đất đai của cha mẹ đồng thời thực hiện hoán đổi đất và sang nhượng thêm của những người liền kề để có diện tích liên canh. Ông đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng sang nhượng, cải tạo đất, mua cây giống. Sau đó ông đã cải tạo đất trồng 4 ha sầu riêng, bên dưới xen cây dứa. Kết quả sau 2 năm, dứa đã cho thu hoạch, sầu riêng bước vào năm thứ ba đang phát triển tốt, hứa hẹn cho những mùa bội thu.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.