Gỡ khó tiêu thụ nông sản cho kinh tế hợp tác
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, nhiều hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp đang lâm vào cảnh điêu đứng do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn vay và các chính sách hỗ trợ trong mùa dịch lại không dễ.
Hàng hóa bị tồn kho hoặc hủy bỏ
HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) có 60,4 ha cà phê với sản lượng bán xô 200 tấn nhân/năm. Ngoài ra, trung bình mỗi tháng còn bán lẻ cà phê bột rang xay và 2 tấn cà phê nhân cho quán cà phê, người tiêu dùng ở các tỉnh thành như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Mấy tháng nay, HTX không không bán được ký cà phê nào do nhiều hàng quán cà phê tạm thời đóng cửa. Với những khách đặt mua lẻ thông qua chợ thương mại điện tử thì HTX cũng không gửi được hàng bởi cà phê không phải mặt hàng thiết yếu. Hiện HTX đang tồn kho 45 tấn cà phê nhân.
Giám đốc HTX Trần Đình Trọng cho hay, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân trong vùng, những năm gần đây, HTX còn thu mua gần 1.000 tấn cà phê sản xuất hữu cơ chất lượng cao để bán trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Thế nhưng, niên vụ cà phê vừa qua, HTX phải tạm ngừng thu mua vì không bán được hàng. Lý do mà các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đưa ra là cước phí vận chuyển ra nước ngoài tăng cao.
HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu còn lượng hàng tồn khá lớn do dịch COVID-19. |
Việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng của HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Hòa Thắng (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đang lâm vào cảnh bế tắc. Với 15 ha vườn ươm, bình quân mỗi năm HTX bán trên 2 triệu cây giống. Năm nay số cây bán ra giảm khoảng 2/3. Nhất là trong gần 2 tháng vừa qua, khi TP. Buôn Ma Thuột áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, HTX buộc phải đóng cửa. Hiện nay nhiều loại cây giống như cà phê, tiêu bị quá lứa buộc phải hủy bỏ. Những loại cây khác có thể cải tạo lại bầu, bọc lại bao bì, bón phân, cắt tỉa cành… thì chi phí tăng gấp đôi. Tính ra, HTX đang thua lỗ trên 3 tỷ đồng.
“Đối với nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh cũng cần có chính sách thông thoáng hơn để các HTX được tiếp cận vay vốn phục hồi sản xuất...". ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh
|
Ông Nguyễn Bá Phương, Giám đốc HTX than thở: “Hầu hết các hộ thành viên của đơn vị đều đang thế chấp tài sản, đất đai vay ngân hàng để đầu tư vườn cây giống, nhưng với tình trạng kinh doanh thua lỗ như hiện nay thì không biết lấy gì để đóng lãi. Muốn hỗ trợ xã viên vượt khó thì HTX không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng”.
Toàn tỉnh hiện có 615 HTX, trong đó có 380 HTX dịch vụ nông nghiệp. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, từ đầu năm 2021 đến nay, đa số các HTX dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động cầm chừng, thậm chí là tạm ngừng. Theo ông Nguyễn Hữu Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, nguyên nhân khách quan của việc này là do giá các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào của HTX tăng mạnh, chi phí sản xuất, duy trì sản phẩm đội lên, trong khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Về chủ quan thì hầu hết các HTX trong tỉnh chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau nên việc cung ứng sản phẩm dễ bị đứt gãy. Mặt khác, quy mô các HTX đa phần còn nhỏ, vốn đầu tư hạn chế, ít sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, cũng như kết nối chợ thương mại điện tử… nên khó tiếp cận thị trường.
Tìm đường tiếp cận chính sách hỗ trợ
Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khối kinh tế hợp tác phát triển, đơn vị đang giải quyết cho trên 30 tổ chức thành viên vay với tổng số vốn 16,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Cùng với đó, từ đầu tháng 8 đến nay, Liên minh HTX đã thành lập các tổ 503 (Theo Chương trình của Liên minh HTX Việt Nam) giúp kết nối HTX với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ được 40 tấn sầu riêng, cùng nhiều tấn rau, củ quả các loại đến siêu thị trong tỉnh cho HTX.
Nhiều giống cây trồng không tiêu thụ được do dịch bệnh. |
Vừa qua, Liên minh HTX tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét, ưu tiên bố trí đầy đủ nguồn vốn thực hiện các nội dung hỗ trợ theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng cho các HTX, có các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 9-9-2021 của Chính phủ về “Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19”, UBND tỉnh đã giao sở, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phục vụ, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, có một thực tế là, nhiều HTX trong tỉnh không đủ điều kiện tiếp cận các chính sách ưu đãi do chưa có tài sản chung cố định mà chủ yếu là tài sản riêng của các hộ xã viên; thiếu trụ sở làm việc; không đủ năng lực tài chính báo cáo thuế có lãi 3 năm liên tiếp…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc