Amazing Cup 2021: Nâng tầm cà phê Việt
Ngoài việc tôn vinh các loại cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản, cuộc thi “Amazing Cup 2021 – Cà phê đặc sản Việt Nam 2021” còn kết nối nhà rang xay, từng bước trở thành cầu nối thị trường trong và ngoài nước, tạo động lực cho người trồng cà phê nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông TRỊNH ĐỨC MINH, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
*Thưa ông, đây là năm thứ ba cuộc thi được tổ chức, ông đánh giá như thế nào về những giá trị của cuộc thi “Amazing Cup 2021 – Cà phê đặc sản Việt Nam 2021” mang lại?
Những ngày đầu, khái niệm cà phê đặc sản có thể còn khá mới mẻ, nhưng đến mùa thứ ba của Amazing Cup, “cộng đồng cà phê đặc sản" đã thu hút được khá đông người sản xuất cà phê tham gia. Có rất nhiều giá trị thiết thực từ cuộc thi, trước hết là đối với những nông dân gắn bó với cà phê. Bởi khi làm cà phê đặc sản, lợi ích kinh tế mang lại tốt hơn vì giá bán cao hơn từ 30 - 40% giá trị quả tươi thông thường, nhất là một số giống cà phê chín muộn, chất lượng cao giá bán còn cao hơn nữa. Còn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào sân chơi này, khi nguồn cung ứng quả tươi đạt chất lượng tốt thì khối lượng sản xuất ngày một tăng lên, thị trường cà phê đặc sản vì vậy cũng ngày càng được mở rộng, kết nối hiệu quả hơn. Đặc biệt, thông qua cuộc thi, cà phê Robusta Việt Nam đạt tiêu chuẩn đặc sản theo thang điểm quốc tế, được những nhà rang xay khó tính ở các nước chấp nhận thì thị trường cà phê quốc tế bắt đầu có sự nhìn nhận khác về chất lượng cà phê của Việt Nam - vốn được coi là cà phê chất lượng thấp.
Theo khảo sát của Hiệp hội thì 40% sản lượng cà phê đặc sản sản xuất ra được tiêu thụ qua các kênh đã thiết lập trước đây giữa các đơn vị sản xuất cà phê nhân với các nhà rang xay truyền thống của họ, còn lại mới bán cho các kênh khác. Và trong suốt nhiều năm, giá cà phê thương mại thông thường xuống thấp, thì làm cà phê đặc sản mang lại thu nhập khá cho các đơn vị sản xuất. Nghĩa là thị trường cà phê đặc sản Việt Nam đã được thiết lập cơ bản và giá trị kinh tế mang lại là rất rõ ràng.
*So với thị trường cà phê đặc sản thế giới, cà phê đặc sản Việt Nam còn khá mới mẻ, vậy doanh nghiệp Việt cần có những bước đi như thế nào để vươn tầm?
Các doanh nghiệp làm thương mại mong muốn đa dạng hóa nguồn hàng của mình cho khách hàng trong và ngoài nước, đặc biệt là khách hàng nước ngoài ở những thị trường có xu hướng tiêu dùng cà phê đặc sản lớn như châu Âu và Mỹ. Với cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam, qua sự tăng dần về số lượng và chất lượng cà phê đặc sản, các doanh nghiệp có lô hàng đủ số lượng, có chứng nhận ổn định về mặt chất lượng để xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Chính điều này sẽ giúp cà phê đặc sản Việt Nam vươn ra thế giới.
Hiệp hội mong muốn các doanh nghiệp liên kết với các tổ chức nông dân để nông dân được bảo đảm đầu ra cho cà phê đặc sản. Điều này rất quan trọng, nghĩa là các doanh nghiệp phải đầu tư cho vùng nguyên liệu, vì hiện nay các doanh nghiệp đầu tư chăm chút cho vùng nguyên liệu chưa nhiều. Tôi mong rằng, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu có sự kết nối chặt chẽ hơn, tốt hơn nữa với nông dân ở vùng nguyên liệu để làm cà phê đặc sản và chú ý thêm phân khúc cà phê đặc sản Việt Nam thay vì chỉ có làm cà phê thương mại thôi, phải đa dạng hóa ngành hàng hơn nữa.
Ban Giám khảo chấm các mẫu dự thi cà phê đặc sản năm 2021. |
*Dịch COVID-19 như một “phép thử” đối với doanh nghiệp cà phê nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Trong bối cảnh đó, sân chơi cà phê đặc sản đã có những bước chuẩn bị như thế nào để thích ứng?
Chúng ta vừa trải qua một thời kỳ khốc liệt của dịch bệnh COVID-19 và đang bắt đầu giai đoạn thích ứng với bối cảnh mới, tuy nhiên tình hình cũng rất khó lường. Với trách nhiệm của người tổ chức cuộc thi, chúng tôi vẫn trung thành với ý tưởng ban đầu là biến nó thành cuộc thi hằng năm dù bất kể tình huống nào, quy mô nào, khó khăn nào thì cũng phải tổ chức cuộc thi này. Trên thế giới thích ứng được thì chúng ta cũng thích ứng được, bằng việc đưa ra nhiều điểm mới trong cuộc thi năm nay.
Thứ nhất là không tổ chức đánh giá chất lượng tập trung tại một điểm với số lượng người đông mà sẽ tổ chức ở nhiều nơi. Những nơi có các phòng thí nghiệm, có các đơn vị thử nếm chuyên nghiệp được ủy quyền của Hiệp hội Cà phê thế giới thực hiện việc thử nếm cà phê tại Việt Nam, như TP. Hồ Chí Minh hiện nay có 2 điểm, Hà Nội có 1 điểm. Năm nay sẽ kết nối 3 điểm này để không tập trung đông người. Và những hoạt động thử nếm được truyền trực tuyến, được giám sát của Ban tổ chức, Ban giám sát cũng như của cộng đồng.
Điểm mới thứ hai, các đơn vị sản xuất phải tăng tính chuyên nghiệp và tính trung thực của mình thông qua tự lấy mẫu, tự niêm phong lô hàng. Đồng thời, cuộc thi năm nay sẽ thành lập Ban kỹ thuật độc lập, giúp Ban tổ chức thực hiện đầy đủ, tốt nhất khía cạnh kỹ thuật của cuộc thi. Có thể nói vai trò của Ban kỹ thuật năm nay rất quan trọng, trong suốt quá trình thử nếm đánh giá chất lượng, Ban kỹ thuật phải bám sát để theo dõi nhằm điều chỉnh cho phù hợp…
Để mang tính khách quan, về mặt giám khảo năm nay cũng mới, vì cuộc thi được đánh giá chất lượng ở 3 nơi nên khả năng huy động giám khảo tại chỗ sẽ cao hơn; số lượng thành viên giám khảo trong mỗi phiên thử nếm cho một mẫu tối thiểu 9 người (mỗi địa điểm 3 người), mỗi mẫu có 9 giám khảo thử nếm và điểm trung bình là của 9 giám khảo. Ngoài ra, để tránh những hiểu lầm về sự thiên vị nên năm nay, những giám khảo có mở lớp hoặc trực tiếp tham gia giảng dạy chế biến cà phê đặc sản thì không tham gia vào Ban giám khảo nữa nhằm tăng tính khách quan của cuộc thi.
Sau lễ phát động, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ tổ chức các khóa đào tạo tập huấn chế biến cà phê đặc sản online nhằm tạo nguồn cho nông dân làm cà phê đặc sản để khối lượng mẫu gửi dự thi nhiều hơn. Đồng thời, tiến hành làm việc rất cụ thể với các điểm tổ chức thử nếm để quy tụ được những đội ngũ giám khảo chuyên nghiệp, công tâm nhất…
*Xin cảm ơn ông!
Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam lần thứ nhất được khởi động vào tháng 10-2018 và kết quả được công bố vào ngày 10-3-2019 tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6. Với Cuộc thi lần thứ nhất và Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam do Bộ NN-PTNT chủ trì đã đánh dấu sự ra đời trên quy mô quốc gia một thời kỳ mới Việt Nam chính thức phát triển cà phê đặc sản và hướng đến tham gia thị trường cà phê đặc sản thế giới. Trải qua 3 lần tổ chức cuộc thi, cùng với sự gia tăng mạnh về số lượng mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản, sản lượng cà phê đặc sản cũng gia tăng mạnh, đạt trên 110 tấn, tăng 72 tấn so với năm 2019. Sự thành công của cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam trong mấy năm qua góp phần đặt nền tảng để Việt Nam mạnh dạn hình thành chiến lược phát triển cà phê đặc sản Việt Nam với tầm nhìn và bước đi thích hợp để góp phần cải thiện hình ảnh và vị thế chất lượng của cà phê Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Do đó, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án phát triển Cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Đây là khuôn khổ chính sách quan trọng tạo động lực cho việc phát triển ngành Cà phê đặc sản trên phạm vi quốc gia trong thập niên tới. Cùng với lộ trình ấy, sự ra đời của Quỹ Phát triển cà phê đặc sản do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột thành lập sẽ là kênh hỗ trợ quan trọng cho hoạt động giáo dục - đào tạo; khoa học - công nghệ; thông tin truyền thông; phát triển nông nghiệp, nông thôn có liên quan phát triển sản xuất, kinh doanh cà phê đặc sản Việt Nam. |
Lê Hương - Thuận Nguyễn (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc