Multimedia Đọc Báo in

Cần giải pháp hỗ trợ lâu dài cho lao động trở về từ vùng dịch

08:15, 10/11/2021

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số người đi làm ăn xa tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về địa bàn tỉnh thời gian qua tăng cao. Ngoài việc bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian cách ly, vấn đề việc làm đang là mối quan tâm của người lao động.

Nỗi lo sinh kế

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa tổ chức khảo sát tình hình người lao động từ các tỉnh trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trưởng Ban Nguyễn Văn Toàn cho biết, qua tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các công dân đi lao động tại các tỉnh phía Nam đã trở về địa phương tại các huyện Krông Bông, Lắk và Cư M'gar, đa số người dân đều phải đi làm ăn xa vì không có công việc ổn định hoặc công việc có thu nhập thấp. Trong số các đối tượng được khảo sát trung bình mỗi hộ chỉ có từ 1 - 2 sào đất hoặc không có đất sản xuất.

Cùng với đó, trong nhiều năm qua giá các loại nông sản chủ lực của tỉnh ở mức thấp, một số loại cây trồng bị sâu bệnh hại, nhất là hồ tiêu khiến nông dân bị thiệt hại lớn, các khoản vay ngân hàng để phát triển sản xuất không có khả năng thanh toán. Do vậy, xu hướng di chuyển đến trung tâm kinh tế lớn để tìm việc làm là điều tất yếu.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn ngành nông nghiệp thăm, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Khi lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam, nhiều gia đình có cả anh em, vợ chồng con cái đi cùng, điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhất là trong giai đoạn đầu quý III - 2021 khi dịch bệnh bùng phát mạnh.

Đơn cử như gia đình chị H'La Niê và anh Y Bom Hwing ở buôn Pốk A (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) vì hoàn cảnh khó khăn nên phải mang theo con nhỏ đi lao động tại tỉnh Đồng Nai. Khi dịch bùng phát, anh Y Bom không may nhiễm bệnh tử vong, chị H'La vì phải chờ nhận tro cốt của chồng nên đã mắc kẹt lại. Trong khoảng thời gian đó, kinh tế suy kiệt lại không có người thân quen nên mẹ con chị gặp vô vàn khó khăn. Trở về địa phương với những tổn thất cả vật chất lẫn tinh thần, chị H’La vẫn đang chưa biết sắp tới sẽ làm gì để lo cho tương lai.

Hay như gia đình chị H'Hát Niê (ở xã Yang Tao, huyện Lắk), làm công nhân đã nhiều năm tại TP. Hồ Chí Minh, nhờ chăm chỉ lao động, chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng chị đã dành dụm được một số tiền để xây nhà. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát, trở về địa phương không có việc làm, căn nhà của chị hiện chỉ đang xây dựng dang dở phần thô và không biết đến khi nào mới có thể hoàn thiện vì thiếu kinh phí.

Tạo việc làm -  giải pháp lâu dài

Quá trình khảo sát cho thấy, hầu hết người dân đi làm ăn tại các tỉnh phía Nam đều là lao động phổ thông và có mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng nếu không tăng ca, rất ít trường hợp có thu nhập cao hơn. Không có đất canh tác, không có việc làm ổn định, trở về địa phương trong thời điểm giãn cách xã hội, đa số người lao động phải nương tựa vào người thân, gia đình vốn cũng rất khó khăn.

Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đa phần người lao động đều mong muốn được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, chờ dịch bệnh được kiểm soát để quay trở lại làm việc tại nhà máy, khu công nghiệp ở các tỉnh thành phía Nam. Số khác thì mong rằng sẽ có một công việc ổn định lâu dài tại địa phương để được gần gia đình, thuận tiện trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ.

Người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar) được nhận tiền hỗ trợ.

Ông Toàn cho biết thêm, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm. Trong thời điểm Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thực hiện khảo sát, nhiều địa phương cấp xã, thôn, buôn vẫn chưa nắm bắt được chính sách theo nghị quyết này.

Thời gian tới, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh sẽ kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Đôn đốc, đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động các Khu Công nghiệp Phú Xuân, Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi của Tập đoàn Hùng Nhơn và các dự án lớn của tỉnh nhằm tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân mất việc làm do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt các đối tượng khó khăn, yếu thế.

Theo thống kê, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn tỉnh có trên 100.000 người trong độ tuổi lao động trở về từ các tỉnh, thành phố khác, phần lớn là lao động ở TP. Hồ Chí Minh, cuộc sống hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề việc làm.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.