Huyện Krông Bông: Chú trọng phát triển giao thông nội đồng
Thời gian qua, nhờ huy động vốn từ nhiều chương trình, dự án, nhiều địa phương ở huyện Krông Bông đã chú trọng đầu tư xây dựng kiên cố hóa đường giao thông theo hình thức “2 trong 1” (giao thông nội vùng gắn với giao thông nội đồng) đến từng vùng sản xuất đảm bảo thuận lợi nhất cho sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ nông sản.
Xã Hòa Phong hiện có 18,37 km đường nội vùng và 39 km đường nội đồng. Trước đây, 100% các tuyến giao thông nội vùng của xã là đường đất; đường nội đồng là những lối mòn do dân tự mở, mùa mưa lầy lội, mùa nắng ổ gà, ổ voi khiến việc đi lại, vận chuyển sản phẩm vô cùng khó khăn…
Thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Phong đã linh hoạt sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, lồng ghép dự án và huy động nhân dân đóng góp trên 700 triệu đồng để cứng hóa những tuyến đường giao thông nội vùng, nội đồng trên địa bàn.
Đến nay, 90% đường giao thông nội vùng ở các khu dân cư đã được bê tông và nhựa hóa; trong đó nổi bật là những con đường “2 trong 1” nối liền từ thôn, buôn này đến thôn, buôn khác và cũng là con đường chính dẫn đến các khu sản xuất như: đường thôn 1 đến khu sản xuất nối liền với cầu treo Noh Prông dài 1.609 m (đây là tuyến đường nằm trong dự án giao thông nội vùng 5,3 km, số vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh), đường từ tổ Vân Kiều (thôn 2) thông suốt khu sản xuất đến buôn Ngô A dài 1.500 m với tổng số vốn hơn 1,6 tỷ đồng (nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới). Ngoài ra, còn có những con đường giao thông nội đồng do ngân sách xã và nhân dân đóng góp…
Đường giao thông ra cánh đồng ở thôn Điện Tân (xã Cư Pui). |
Việc kiên cố hóa các tuyến đường nội vùng, nội đồng khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân xã Hòa Phong thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Ông Đỗ Văn Lát, Trưởng thôn 1 cho biết: Thôn 1 có 466 ha đất sản xuất, trong đó có 320 ha là cây công nghiệp dài ngày (cà phê, điều, cao su…) chủ yếu nằm ở khu vực bên kia sông Krông Bông và khu vực sân bay K17 nhưng những con đường vào khu vực này trước đây chỉ là những lối mòn do dân tự mở nên mỗi vụ thu hoạch, bà con phải dùng quang gánh đưa sản phẩm về nhà. Vào mùa mưa nông sản thường bị nước lũ cuốn trôi do thu hoạch xong không kịp vận chuyển.
Trước tình hình đó, nhân dân trong thôn đã họp và thống nhất đóng góp 125 triệu đồng cùng với ngân sách xã hỗ trợ 50 triệu đồng để đổ bê tông 700 m và cấp phối 2,3 km đường nội đồng, bề rộng từ 2,5 - 3,5 m. Nhờ vậy, việc đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản của nông dân hiện nay thuận tiện hơn nhiều…
Còn ông Bùi Văn Huệ, người dân ở thôn 2 (xã Hòa Phong) chia sẻ: Từ ngày có đường giao thông kiên cố đến nay, xe công nông, ô tô đến tận nơi vận chuyển, nhiều gia đình không có phương tiện vận chuyển thì bán sản phẩm tại đồng nên bà con rất phấn khởi.
Đường giao thông nội vùng nối với đường ra cánh đồng ở thôn 5 (xã Hòa Phong). |
Tương tự, xã Hòa Lễ có 21 km đường giao thông nội vùng và 27 km đường giao thông nội đồng, với trên 1.500 ha đất canh tác, trong đó có gần 800 ha nằm dọc theo sông Krông Bông và khu vực Cầu cháy (Tỉnh lộ 12 cũ). Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn song để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, những năm qua xã Hòa Lễ đã ưu tiên đầu tư kinh phí để phát triển giao thông nội đồng.
Ông Võ Châu Thắng, cán bộ giao thông - thủy lợi xã Hòa Lễ cho hay, xã đã có chủ trương cứng hóa đường giao thông nội vùng gắn với giao thông đồng ruộng theo thứ tự ưu tiên, đối với những cánh đồng gần khu dân cư khi làm đường bê tông nối dài thêm từ đường nội vùng chính đến chân ruộng, đối với những vùng sản xuất riêng biệt thì xã đầu tư kinh phí làm đường bê tông theo trình tự cuốn chiếu nơi nào khó khăn làm trước.
Nhờ cách làm này, đến nay xã đã có 4 tuyến đường giao thông nội vùng riêng biệt dài 3.044 m được bê tông hóa, với tổng kinh phí trên 3,3 tỷ đồng…
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc