Multimedia Đọc Báo in

Niên vụ cà phê 2021 - 2022: Giải pháp nào cho nhân công thu hoạch trong đại dịch?

08:08, 01/11/2021

Niên vụ cà phê 2021 - 2022 đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch chính, Đắk Lắk cần rất nhiều nhân công để thu hái. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì việc dịch chuyển lực lượng lao động để bảo đảm nhân công thu hái cà phê sẽ là một vấn đề lớn cần sớm có phương án thực hiện…

Kỳ 1: Nhân công thu hoạch cà phê: Liệu có thiếu?

Hằng năm, cứ đến vụ thu hoạch cà phê, hàng nghìn lao động từ các tỉnh thành đổ về khu vực Tây Nguyên để làm thuê. Với tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay thì việc dịch chuyển lao động liệu có dễ dàng và Đắk Lắk cũng như vùng Tây Nguyên, liệu có thiếu nhân công?

Tận dụng nhân lực tại chỗ

Với 1,4 ha trồng cà phê, hằng năm khi đến mùa thu hoạch, gia đình ông Hà Thanh Quyết (thôn Đoàn Kết, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) phải thuê thêm 6 - 7 nhân công trong cùng gia đình thu hái trong vòng 15 ngày, với giá công nhật 180.000 - 200.000 đồng/ngày.

Tuy nhiên năm nay, do thời tiết không thuận lợi, theo tính toán của ông, năng suất cà phê giảm 20% so với mọi năm, nên thời gian thu hoạch nhanh và cần ít nhân công hơn.

Cùng với đó, do tình hình dịch bệnh, các con của ông đi làm ăn xa cũng đã trở về địa phương nên sẽ hỗ trợ gia đình thu hoạch cà phê vụ này. Với tổng 6 nhân công, gia đình ông có thể yên tâm thu hoạch mà không phải đi thuê người ngoài.

Các hội viên nông dân ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đổi công cho nhau để thu hoạch cà phê.

Ông Phạm Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tân cho biết, địa phương có 3.255 ha cà phê, năng suất trung bình đạt hơn 3 tấn nhân/ha. Với diện tích trồng cà phê lớn, hằng năm đến mùa thu hoạch, có hàng nghìn người lao động trong và ngoài tỉnh như: Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… đến xã làm thuê.

Năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, xe khách chạy các tỉnh lưu thông khó khăn, hạn chế đi lại nên nhân công thu hoạch cà phê vụ này sẽ thiếu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10-2021 đến nay, xã đã đón hơn 1.000 công dân trẻ đi làm ăn xa trở về địa phương, đây có thể là nguồn nhân lực hỗ trợ cho việc thu hoạch sắp tới.

Tại xã Tam Giang (huyện Krông Năng), vụ thu hoạch cà phê năm nay, người dân cơ bản chủ động được vấn đề về nhân công. Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã nở rộ hình thức hái khoán cà phê, tạo nguồn thu nhập cao cho người lao động và nguồn nhân công dồi dào cho địa phương.

Theo đó, người dân trên địa bàn xã tự liên kết thành nhóm, nhận hái khoán cho các vườn cà phê trong và ngoài xã, trung bình một người có thể hái 5 – 6 tạ quả tươi/ngày, với giá khoán từ 100.000 đồng/tạ. Hình thức hái khoán đang được áp dụng rộng rãi tại địa phương.

Người dân xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M'gar) thu hoạch cà phê niên vụ 2020-2021.

Tương tự, tại huyện Cư Kuin, hầu hết các hộ và đơn vị sản xuất đều nhận định, năm nay, việc dịch chuyển lao động hái cà phê từ các tỉnh sẽ khó khăn nhưng lại có điểm thuận lợi là công dân đi làm xa ở các tỉnh thành phía Nam trở về địa phương rất nhiều. Đây là nguồn nhân công tại chỗ trong vụ thu hoạch cà phê năm nay để bù đắp cho lượng nhân công đến từ các tỉnh khác như những năm trước.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, toàn huyện có 12.508 ha cà phê, trong đó có 11.226 ha kinh doanh, năng suất bình quân trên 3 tấn/ha. Hằng năm, lượng nhân công đến địa phương thu hái cũng khá nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là nhân công trong tỉnh hoặc các chi hội nông dân thành lập những nhóm đổi công cho nhau để hỗ trợ thu hoạch. Hiện Phòng đang rà soát lại tình hình nhân công tại các địa phương để có phương án hướng dẫn cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, vừa bảo đảm lượng nhân công thu hái kịp thời vụ, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Vẫn còn nhiều lo lắng

Những ngày này, gia đình bà Thái Thị Hải (xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M’gar) tranh thủ đi thu hái bói cà phê trước khi vào mùa vụ chính. Nhà bà có gần 2 ha cà phê, năng suất bình quân 2,5 tấn nhân/ha.

Theo tính toán, với diện tích như vậy cần khoảng 100 công thu hái. Bà Hải cho biết, trước đây, cứ đến mùa là bà cùng người dân trong vùng thường thuê từ 1 - 2 nhân công từ miền Trung và các tỉnh lân cận đến ở ngay trong nhà để hỗ trợ thu hoạch cũng như vận chuyển, phơi sấy cà phê.

Tuy vậy, ba năm nay, do cà phê đã già cỗi, năng suất thấp nên khi đến mùa, vợ chồng bà ăn ở cả ngày trong rẫy để thu hái thay vì thuê người ngay từ đầu vụ. Đến cuối mùa, khi vườn cây chín đồng loạt mới thuê nhân công thu hái. Mùa thu hoạch năm nay, gia đình bà dự kiến thuê khoảng 40 công thu hái, nhưng do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp nên vấn đề về nhân công cũng như nỗi lo cho sức khỏe khiến bà và các nông hộ hết sức lo lắng.

“Làm cả năm chỉ trông chờ vào mùa thu hoạch, nếu thu hái không kịp sẽ khiến thất thoát sản lượng như rụng gốc, bị trộm… Cho nên, các nhà vườn chỉ mong sao thu hoạch được nhanh nhất nhưng cũng phải có giải pháp bảo đảm an toàn cho sức khỏe của mọi người”, bà Hải trò chuyện.

Người dân ở xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) đang bước vào giai đoạn thu hoạch cà phê chín bói.

Bà Thái Thị Anh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) cho biết, trên địa bàn xã hiện có 2.960 ha cà phê, năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/ha. Những năm trước, tại địa phương có nhiều lao động ngoại tỉnh đến làm thuê vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khả năng nhiều lao động bên ngoài sẽ không đến. Theo nhận định, mùa vụ năm nay cũng có thể sẽ thiếu nhân công do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên không đến mức thiếu trầm trọng khiến cà phê rụng mà không thu hoạch kịp. Điều mà bà con trồng cà phê mong mỏi nhất hiện nay là tình hình dịch bệnh được kiểm soát để người dân đảm bảo sức khỏe, yên tâm thu hoạch.

Cũng với nỗi lo ấy, Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng cho biết, toàn huyện có 23.859 ha cà phê, sản lượng ước đạt 65.737 tấn cà phê nhân/năm. Còn khoảng nửa tháng là cà phê trên địa bàn sẽ bước vào thu hoạch rộ và cần một lượng nhân công lớn. Do đó, vấn đề vừa có đủ nguồn lao động thu hái, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh sẽ được huyện xây dựng phương án cụ thể, tránh tâm lý lo lắng cho người dân khi thuê nhân công. Phòng cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch trong quá trình thu hoạch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Sở NN-PTNT cho biết, niên vụ cà phê 2021 - 2022, Đắk Lắk có trên 209.000 ha, với sản lượng ước đạt trên 500.000 tấn. Những năm trước, lao động

ở Đắk Lắk chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Để chủ động nguồn nhân công thu hái, Sở đã yêu cầu các địa phương rà soát lại nguồn lao động tại chỗ và xây dựng phương án thu hái phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa bàn, tránh nguy cơ bùng phát dịch từ việc thu hoạch cà phê.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Tìm phương án  huy động nhân lực phù hợp và hiệu quả

Thuận Huyền Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.