Multimedia Đọc Báo in

Niên vụ cà phê 2021 - 2022: Giải pháp nào cho nhân công thu hoạch trong đại dịch? (Kỳ 2)

06:46, 02/11/2021

Kỳ 2: Tìm phương án huy động nhân lực phù hợp và hiệu quả

Đặc thù của thu hái cà phê là cần một lượng nhân công lớn tại một thời điểm để tập trung thu hoạch cho kịp mùa vụ. Chính vì tập trung đông người sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Vậy giải pháp nào phù hợp cho thu hoạch niên vụ cà phê mới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19?

Sẽ hỗ trợ thu hái cho "vùng đỏ"

Huyện Krông Búk là địa bàn có diện tích cà phê lớn của tỉnh, với trên 20.600 ha, nhưng diễn biến dịch bệnh COVID-19 lại khá phức tạp, vì vậy việc thu hoạch cà phê của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, qua theo dõi tình hình thực tế các năm gần đây, lực lượng lao động tại địa phương tham gia thu hái cà phê trên địa bàn huyện chỉ đáp ứng khoảng 75 - 80%, còn lại cần lực lượng lao động từ ngoài tỉnh, chủ yếu là thu hái cho các gia đình có diện tích cà phê lớn.

Nhóm lao động ở huyện Krông Bông đến hái thuê cà phê trên địa bàn huyện Lắk.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, việc thuê lao động từ ngoài tỉnh về huyện là rất khó khăn. Do đó, để bảo đảm nhân công cho vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021 - 2022, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh trong công các phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến sản xuất, trong đó có thu hoạch cà phê, UBND huyện Krông Búk yêu cầu Ban Chỉ huy Quân sự huyện báo cáo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ lực lượng giúp người dân thu hoạch cà phê trong điều kiện diễn biến dịch COVID-19 phức tạp.

UBND huyện cũng chỉ đạo các xã khuyến khích người dân thành lập các tổ, đội, nhóm hộ thực hiện đổi công phục vụ thu hái, chế biến cà phê kịp thời nhằm hạn chế tổn thất do thiếu nhân công. Mặt khác, huy động các tổ chức đoàn thể trên địa bàn các xã thành lập các tổ, đội, nhóm nhằm giúp đỡ các gia đình khó khăn trong thu hái cà phê niên vụ 2021 - 2022 trên địa bàn xã. Các xã đồng thời tiến hành rà soát lực lượng lao động trên địa bàn có khả năng cung cấp nhân lực thu hái cà phê để giới thiệu cho các hộ nông dân thuê phục vụ thu hoạch trên cơ sở thỏa thuận về chi phí ngày công hợp lý, tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao.

Cùng chung một tâm thế đó, các địa phương trồng các phê khác cũng đã xây dựng phương án cụ thể để hỗ trợ cho người dân thu hái cà phê trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhất là những vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao.

Chủ động xây dựng phương án phù hợp

Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam bởi diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước, với trên 209.000 ha, sản lượng gần 500.000 tấn/năm. Ngành sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã tạo việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê.

Để bảo đảm việc thu hoạch cà phê niên vụ mới được diễn ra suôn sẻ, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện chủ động xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê phù hợp với các trường hợp diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra. Trong đó, các địa phương cần chú ý đến các vùng cấp độ 3 ("vùng cam" - nguy cơ cao) và vùng cấp độ 4 ("vùng đỏ" - nguy cơ rất cao), vì không chỉ thu hoạch cà phê mà việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, thu hoạch các loại nông sản khác cũng sẽ khó khăn.

Nông dân xã Cư Kpô (huyện Krông Búk) thu hái cà phê chín bói. Ảnh: Thuận Nguyễn
Nông dân xã Cư Kpô (huyện Krông Búk) thu hái cà phê chín bói. Ảnh: Thuận Nguyễn

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Krông Năng đã tiến hành rà soát lại tình hình lao động trên địa bàn. Theo Phòng NN-PTNT huyện, năm nay do dịch bệnh nên có khả năng khó huy động lượng lao động lớn từ các tỉnh khác như mọi năm. Tuy nhiên, thời gian qua đã có trên 12.300 người dân học tập, làm việc tại các tỉnh phía Nam trở về huyện và hiện có hơn 500 người đã đăng ký trở về địa phương trong thời gian tới, đây có thể là nguồn nhân lực hỗ trợ cho vụ thu hoạch cà phê thuận lợi.

Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, việc xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê, các địa phương cần rà soát và huy động tối đa nguồn nhân lực tại chỗ. Trong trường hợp cần thiết, UBND các địa phương làm việc trực tiếp với cơ quan quân sự địa phương để thống nhất, có văn bản báo cáo đề xuất UBND tỉnh, cơ quan quân sự cấp tỉnh xem xét huy động các lực lượng vũ trang tham gia thu hái cà phê. Ngoài ra, hiện nay nguồn lao động từ các tỉnh phía Nam trở về tỉnh tương đối lớn, UBND các địa phương cần có kế hoạch huy động, sử dụng nguồn nhân lực này, tuy nhiên phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cập nhật thông tin, tổ chức, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê phù hợp với diễn biến dịch bệnh, bảo đảm nguyên tắc, yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương trong quá trình xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê, chủ động liên hệ với Sở NN-PTNT để được hướng dẫn.

Thuận Huyền Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.