Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới nơi vùng đất mới (Kỳ 2)

07:25, 04/11/2021

Kỳ 2: Xanh cánh đồng xanh cả ước mong

Để người dân bám trụ tại khu tái định cư, cùng với việc hỗ trợ để người dân an cư, điều quan trọng nhất là tổ chức, phát triển sản xuất. Cán bộ "cắm chốt", bám đồng ruộng đã tạo nên mùa vàng níu chân người dân nơi vùng đất mới.

Biến đất hoang thành cánh đồng tươi tốt

Đi dọc bờ ruộng trên cánh đồng rộng cả trăm héc ta, cảm nhận hương thơm của những cây lúa trĩu hạt, vàng óng trong nắng mới hiểu hết được niềm vui của những người đã bám đồng ruộng, cày bừa cùng người dân suốt bao tháng qua.

Anh Nguyễn Văn Kiên, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar, Tổ trưởng tổ chỉ đạo hướng dẫn sản xuất và điều tiết thủy lợi (Tổ công tác 372) tại cánh đồng tái định cư nói rằng thành công này ngoài sức tưởng tượng. Ban đầu, nhiều người dân xã Cư San (huyện M’Drắk) rất băn khoăn, nghi ngại, qua đây rồi lại về vì đồng ruộng ngổn ngang, hoang vu, “chưa đâu vào đâu”.

Vì vậy, cùng với công tác vận động, đón dân, ổn định đời sống, bài toán tổ chức, hỗ trợ phát triển sản xuất nhanh chóng được các ngành chức năng của huyện Ea Kar luận bàn với những giải pháp cụ thể, sát sườn dựa trên việc rà soát, đánh giá khả năng, điều kiện, kinh nghiệm sản xuất của các hộ tái định cư.

Ngoài tổ công tác 372, UBND huyện Ea Kar chỉ đạo, vận động thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp - thủy lợi xã Cư Elang để phục vụ điều tiết nước và hỗ trợ sản xuất cho khu vực tái định canh, tái định cư và cánh đồng Cư Elang, cánh đồng 132, đồng thời liên kết tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Mô hình thâm canh giống lúa thuần chất lượng cao tại cánh đồng tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar).

4 “đặc phái viên” của Tổ công tác 372 huyện cùng với cán bộ khuyến nông, thành viên Hợp tác xã Cư Elang và nhân viên Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk - Chi nhánh huyện Ea Kar đã “cắm chốt” tại cánh đồng; huy động, tổ chức máy móc cày bừa, làm đất, gieo sạ tập trung. Đồng thời, tiến hành họp dân, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng mô hình trình diễn lúa nước cho 4 hộ với diện tích 1,5 ha.

 
“Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, vào cuộc của các đơn vị, địa phương, sự chủ động trong công tác dân vận, hỗ trợ di dân, tái định cư đã giúp người dân yên tâm, ổn định cuộc sống, bắt tay vào sản xuất lúa nước. Đây là thành công bước đầu trong xây dựng, phát triển cuộc sống ở thôn Yang San”.
 
Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà

Trong suốt quá trình sản xuất vụ hè thu 2021, các cán bộ, nhân viên bám trụ trên đồng, xắn quần lội ruộng, vét mương, điều tiết nước, vướng đến đâu gỡ đến đấy nên đã tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng cho người dân. Ban Chỉ đạo huyện Ea Kar và Ban Chỉ đạo xã Cư Elang cùng các lực lượng chức năng cũng trực tiếp ra cánh đồng, tổ chức lực lượng bảo vệ sản xuất. Anh Kiên chia sẻ: “Mưa dầm thấm lâu, người dân nhận thấy sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền nên tự bảo nhau ra ruộng. Từ chỗ cán bộ phải trực tiếp làm, dần dần ruộng của hộ nào, hộ đó chăm sóc". Có thể nói, sự chỉ đạo chặt chẽ, vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự hợp tác, chung sức tích cực của người dân đã làm nên phép màu giữa ngàn xanh, biến một vùng đất hoang hóa, cỏ dại um tùm thành đồng lúa bằng phẳng, tốt tươi như hôm nay.

Kỳ vọng những mùa vàng

Ở thôn 10 (xã Cư San), gia đình anh Vàng Seo Pao chỉ có 1 sào ruộng nước, năm được năm mất mùa vì phụ thuộc vào thời tiết. Tuy vậy, lúc đầu khi biết tin phải di dời đến khu tái định cư, vợ chồng anh cũng chần chừ vì đã gắn bó nơi ở cũ gần 20 năm, mãi đến tháng 3-2021, gia đình mới quyết định di dời. Những bỡ ngỡ ban đầu dần qua, nhà cửa, cuộc sống dần ổn định. Giáo viên đến tận nhà ghi danh cho các con anh đi học. Ruộng lúa lại gần nhà, có kênh dẫn nước tưới.

Chỉ tay về phía cánh đồng rộng mênh mông, trong đó có ruộng lúa nhà mình, anh Pao vui mừng: “Lúc cây lúa có triệu chứng bị bệnh cộng thêm nắng hạn kéo dài cứ tưởng vụ này thất thu nhưng nhờ các cán bộ hướng dẫn tận tình và "trời thương" cho mưa đúng lúc nên cây lúa đã vượt qua được. Cả năm không phải lo thiếu gạo ăn, còn có lúa bán lấy tiền trang trải cuộc sống”. Giờ đây, anh Pao là một trong những nhân tố tích cực, tuyên truyền, vận động các hộ ở xã Cư San chuyển đến khu tái định cư để cùng xây dựng cuộc sống mới.

Ruộng lúa 2 vụ của gia đình anh Hoàng Văn Đội, Trưởng thôn lâm thời thôn Yang San cho năng suất cao.

Chuyển đến nơi ở mới, gia đình ông Vàng Seo Vần không chỉ yên tâm vì được hỗ trợ dựng lại nhà cửa mà còn vui hơn khi là một trong 4 hộ được chọn hỗ trợ làm mô hình trình diễn lúa nước. Từ làm đất, gieo sạ đến kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh ông đều được cán bộ khuyến nông “cầm tay chỉ việc” từng khâu. Ông Vần chia vui: “Chính quyền cấp giống lúa, cho cả phân bón, cán bộ lại xuống đồng cùng nông dân, hướng dẫn tận tình, làm mẫu cho bà con học hỏi. Nhờ vậy, ruộng nào cũng tốt tươi, năng suất trung bình từ 5 - 6 tạ/sào, người dân phấn khởi lắm”.

Vụ hè thu này là vụ mùa thứ tư gia đình anh Hoàng Văn Đội, Trưởng thôn lâm thời thôn Yang San gieo trồng trên đồng ruộng ở vùng đất tái định cư. Nắm bắt được lịch thời vụ, điều kiện thời tiết, khí hậu ở nơi mới và lại có kinh nghiệm sản xuất nên 4,5 sào lúa nước của gia đình anh luôn cho năng suất ổn định khoảng 6 tạ/sào. Nhanh tay đảo đống lúa vàng óng phơi ở sân, chị Nông Thị May, vợ anh Đội khấp khởi: “Mấy năm nay lúa được mùa, được giá, bà con có của ăn của để. Khi dự án hoàn chỉnh, không còn lo thiếu nước tưới thì cánh đồng lúa hai vụ sẽ đem lại những mùa vàng cho nông dân”.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Tháo gỡ “nút thắt" để an dân

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.