Multimedia Đọc Báo in

Đưa điện về buôn

06:08, 28/12/2021

Đến buôn Cuôr, xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) hôm nay, có thể cảm nhận không khí đầm ấm, trù phú toát lên trên những nếp nhà sàn chạy dọc con đường bê tông dẫn vào các xóm nhỏ.

Cà phê mới thu hoạch được phơi trải dài trên những mảnh sân vuông vức. Nhìn khung cảnh này, khó ai tưởng tượng được, chỉ hơn 10 năm trước, người dân nơi đây vẫn sống trong ánh đèn dầu, đời sống khó khăn. Điện lưới quốc gia là một ước mơ xa xỉ…

Những năm 2000, cũng như các khu vực khác trong tỉnh, huyện Cư M’gar còn nhiều thôn, buôn... “trắng điện”. Ama Phương, Trưởng buôn Cuôr trầm ngâm nhớ lại: “Ngày xưa cuộc sống của bà con khổ lắm. Đường sá thì khó khăn, điện đóm thì chưa có. Cả buôn chỉ vài nhà có bình ắc quy để dùng cho chiếu sáng, hết bình là phải ra tận chợ trung tâm để sạc. Người lớn muốn xem tivi, làm thêm chút việc nhà hay các cháu nhỏ muốn học bài cũng không có đủ ánh sáng. Ai ai cũng mong mỏi có điện lưới…”.

Trước thực tế này, Chính phủ đã quyết định triển khai Dự án thành phần cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện của các tỉnh Tây Nguyên với nguồn vốn 85% của Chính phủ và 15% vốn ngành điện. Tại Đắk Lắk, chương trình này còn được gọi là Dự án 315 thôn, buôn. Tổng khối lượng công trình bấy giờ gồm: gần 479 km đường dây trung áp; 545 km đường dây hạ áp và 297 trạm biến áp với tổng nguồn vốn đầu tư trên 412 tỷ đồng, mục tiêu cấp điện cho 23 nghìn hộ dân thuộc 315 thôn, buôn. Đến ngày 27/2/2008, các hạng mục đầu tiên chính thức được khởi công và được xem là ngày hội lớn của đồng bào các thôn, buôn khi lần đầu tiên một dự án lớn, có ý nghĩa cộng đồng lớn đến vậy được triển khai đồng loạt tại 11 huyện trong toàn tỉnh.

Điện về, cuộc sống của người dân buôn Cuôr đã đổi thay rõ rệt. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Trong giai đoạn cao điểm sau đó, Công ty Điện lực (PC) Đắk Lắk đã thành lập 10 tổ công tác thực hiện khảo sát thiết kế, lắp đặt công tơ và kéo dây điện trong nhà cho các hộ dân. Anh Đỗ Hải Đăng, công nhân Điện lực Cư M'gar là một trong những người trực tiếp tham gia Dự án chia sẻ: “Giai đoạn đó, có những thời điểm anh em các đội công tác phải làm ngày, làm đêm, làm cả ngày lễ, ngày nghỉ cho kịp tiến độ. Nhiều khu vực đường sá đi lại khó khăn, việc vận chuyển vật tư, thiết bị hay thi công đều mất nhiều công sức. Nhưng bù lại, điện lưới nhanh chóng được xây dựng, phục vụ phát triển của buôn làng cũng là niềm hạnh phúc của anh em”.

Đến năm 2010, Dự án chính thức được hoàn thành, kết quả vượt qua cả kỳ vọng ban đầu, góp phần đưa Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh có số thôn, buôn, số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia cao nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Đời sống kinh tế và văn hóa của người dân từ đây bước sang trang mới đầy tươi sáng. Ông Phạm Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết: “Riêng tại huyện Cư M’gar có 37 thôn, buôn nằm trong diện cấp điện. Điện đã làm thay đổi cuộc sống của các vùng quê nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân vươn lên, đặc biệt là tại các buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Dự án 315 thôn, buôn được xem là một dấu mốc quan trọng, mang tính lịch sử, tạo tiền đề vững chắc góp phần cho những đổi thay của các thôn, buôn nghèo. Sau dự án này, nhiều chương trình điện nông thôn khác tiếp tục được triển khai, đưa điện lưới quốc gia “phủ sóng” sâu rộng đến mọi khu vực. Các khu dân cư chưa có điện hoặc có điện nhưng chất lượng điện thấp được ưu tiên đưa vào quy hoạch. Từ năm 2011 đến nay, ngành điện Đắk Lắk đã phối hợp cùng Sở Công thương, các địa phương thực hiện nhiều chương trình cấp điện bằng nhiều nguồn vốn khác nhau với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Hương Cẩm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.