Hiệu quả trong liên kết sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, nhiều mô hình liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp đã tạo những bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.
Tổ hợp tác (THT) trồng và chăm sóc nhãn Hương Chi được thành lập từ đầu năm 2020 với 11 thành viên là nông dân tại xã Ea Hu, huyện Cư Kuin. Được sự hướng dẫn kỹ thuật từ Trạm Khuyến nông huyện cùng với kinh nghiệm canh tác của các thành viên, việc trồng và chăm sóc cây nhãn Hương Chi rất thuận lợi. Đặc biệt, khí hậu và thổ nhưỡng tại đây rất phù hợp cho việc hướng cây nhãn ra hoa trái mùa, trái vụ, phòng, chống sâu bệnh hiệu quả. Nhờ đó, chất lượng quả nhãn do THT sản xuất luôn đạt chất lượng đồng đều, thơm ngon.
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình. |
Dựa vào tổng diện tích hơn 4 ha nhãn đang cho thu hoạch của các thành viên, THT đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH Phù Sa Đất Việt (TP. Hồ Chí Minh) với sản lượng 80 tấn/năm trong thời gian từ năm 2020 đến 2025. Qua 2 năm sản xuất, THT đã cung ứng cho công ty và thị trường hơn 150 tấn nhãn với tổng doanh thu hơn 3,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân của mỗi hộ thành viên đạt khoảng 200 triệu đồng. THT cũng đã kết nạp thêm 15 thành viên, nâng tổng diện tích canh tác cây nhãn lên 12 ha. Ngoài nguồn thu từ xuất bán quả tươi, THT cũng triển khai chiết cành giống, cung cấp cho thị trường hơn 5.000 cây giống và tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
"Các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục duy trì hoạt động và thành lập mới các chi hội nghề nghiệp, tổ nghề nghiệp gắn với giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tạo nền tảng để hình thành các THT, HTX; tiếp tục xây dựng các mô hình liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ số, kết nối với các doanh nghiệp, hỗ trợ THT, HTX xây dựng chuỗi giá trị”. bà Lại Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
Tại xã Cư Kty, huyện Krông Bông, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình đã tổ chức tốt hoạt động liên kết sản xuất của nông dân, HTX đã xây dựng nên những cánh đồng mẫu mía đường, lúa gạo quy mô lớn, chất lượng cao, hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổng diện tích mía dao động hằng năm của HTX và các thành viên liên kết khoảng 130 - 300 ha. Nhờ tổ chức tốt công tác chuyển đổi giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất nên lợi nhuận của nông dân luôn được đảm bảo, có năm đạt trên 100 triệu đồng/ha.
Với lúa nước, năm 2018, HTX bắt đầu liên kết với Công ty TNHH MTV Cà phê 721, Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm với diện tích 50 ha. Đến nay, HTX đã mở rộng vùng liên kết sản xuất lên hơn 300 ha tại các xã Cư Kty, Hòa Lễ, Hòa Tân, Ea Trul… Cuối năm 2019, HTX liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ Hồ Quang (tỉnh Sóc Trăng), Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Ngọc Phú (tỉnh Long An) đưa giống lúa ST24, ST25 có bản quyền vào sản xuất, được chính các doanh nghiệp này bao tiêu toàn bộ sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Những vụ lúa vừa qua, nông dân thu lợi nhuận từ việc canh tác hai giống lúa này lên đến hơn 90 triệu đồng/ha/vụ, tăng 20 – 30 triệu đồng/ha/vụ so với trước đây.
HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình và Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ Hồ Quang liên kết đưa giống lúa ST24, ST25 có bản quyền vào sản xuất trên cánh đồng xã Cư Kty (huyện Krông Bông). |
Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX chia sẻ, việc liên kết nông dân tạo thành những vùng sản xuất lớn, cánh đồng mẫu giúp nông dân thuận lợi hơn trong đầu tư sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất và lợi nhuận. Phía HTX có thể kiểm soát tốt hơn các công đoạn sản xuất từ gieo trồng đến thu hoạch. Đồng thời, HTX cũng đại diện nông dân trong việc đàm phán, bán sản phẩm theo hướng có lợi nhất cho chính họ, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, HTX đã xây dựng được vùng sản xuất lúa gạo có chứng nhận VietGap, ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Những việc này, nếu nông hộ sản xuất nhỏ lẻ không liên kết sẽ rất khó thực hiện.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lại Thị Loan, việc liên kết sản xuất đã giúp nông dân dễ dàng hỗ trợ nhau trong áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và sản xuất theo tiêu chuẩn, chứng nhận, góp phần xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn. Giai đoạn 2017 - 2021, hội nông dân các cấp đã trực tiếp vận động, hướng dẫn thành lập 80 HTX và 276 THT với gần 7.000 thành viên tham gia. Các cấp hội cũng phối hợp xây dựng và nhân rộng nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tham gia tích cực vào chuỗi liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, cây ăn quả…
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc