Multimedia Đọc Báo in

Lão nông làm giàu từ mô hình đa cây

08:38, 31/12/2021

Như nhiều nông dân khác trong vùng, khi vào Đắk Lắk lập nghiệp, ông Nguyễn Văn Chương (ở thôn 9, xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar) tiến hành trồng độc canh cà phê.

Tiếp đó ông trồng xen tiêu vào vườn cà phê. Nhưng thời gian trôi qua, cà phê dần già cỗi, kém năng suất, tiêu cũng bị sâu bệnh hại, giá cả bấp bênh, bản thân cũng đã lớn tuổi. Ông trăn trở tìm hướng đi mới hiệu quả hơn. Trong những lần đi thăm thú nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, nhận thấy mô hình trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại nhàn công hơn trồng cà phê và tiêu, ông Chương bắt đầu học hỏi kỹ thuật từ các nhà vườn trồng bưởi ở Đồng Nai, Vũng Tàu… với mong muốn đưa cây bưởi da xanh về phát triển trên rẫy nhà.

Ông Nguyễn Văn Chương bên vườn lan tâm huyết của mình

Năm 2018, ông mạnh dạn phá bỏ 4 sào cà phê già cỗi, kém năng suất để trồng thử nghiệm 100 cây bưởi da xanh. Ông chú trọng lựa chọn cây giống tốt, áp dụng các kỹ thuật công nghệ vào chăm sóc và phòng trị sâu bệnh. Theo ông Chương, phải nắm vững đặc tính sinh trưởng của cây, từ khi nuôi cây con cho đến khi trưởng thành, mỗi một giai đoạn có cách chăm sóc khác nhau. Để phòng trừ các loại sâu bệnh, người trồng cần phải thường xuyên thăm vườn, khi quả lớn bằng nắm tay sẽ tiến hành bọc quả, giúp lớp vỏ ngoài không bị thâm đen, ảnh hưởng đến giá cả khi xuất bán.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tỷ lệ đậu trái cao đòi hỏi người trồng phải chăm bón kỹ từ lúc cây mới ra hoa, thường xuyên vun gốc bón phân, tỉa cành, tỉa trái, đảm bảo sức cho cây phát triển vào vụ sau. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương khá thích hợp nên vườn bưởi sinh trưởng, phát triển rất tốt. Hiện vườn bưởi của ông đang năm thứ tư, cho trái quanh năm. Sang năm 2022, vườn bưởi của ông bước vào năm thứ năm, ông sẽ cho ra trái 2 vụ/năm, ước tính cho thu khoảng 12 tấn quả.

Cùng với trồng bưởi da xanh, trên hơn 2 ha đất còn lại của gia đình, ông vẫn tiếp tục canh tác cà phê và tiêu, đồng thời trồng xen 100 cây bơ, 80 cây sầu riêng, vài chục cây nhãn, mít… Đến vụ thu hoạch, sản phẩm được thương lái vào tận vườn thu mua, nên không sợ “bí” đầu ra. Song song đó, hai năm nay, ông Chương còn có đam mê sưu tầm và ươm lan bán ra thị trường. Vườn lan của ông đa dạng các giống như: hồng mỹ nhân, năm cánh trắng, hồng minh châu… Mỗi năm, mô hình đa cây của ông Chương mang lại thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Kiết (bên trái) thăm mô hình trồng bưởi của ông Chương.

Ông Nguyễn Gia Quốc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kiết cho biết, hiện nay mô hình cây ăn trái trên địa bàn xã rất ít. Gia đình ông Nguyễn Văn Chương là một trong những hộ tiên phong mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa bưởi da xanh trồng tại địa phương cũng như kết hợp các loại cây trồng khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.