Multimedia Đọc Báo in

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả: Nỗi lo chưa bao giờ cũ (kỳ 2)

08:19, 08/12/2021

Kỳ 2: Nước mắt nhà nông

Làm nông nghiệp có không ít bấp bênh do giá cả, dịch bệnh, gặp thêm rủi ro vì mua phải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kém chất lượng càng đẩy người nông dân vào tình cảnh khó khăn…

Điêu đứng vì mua phải hàng kém chất lượng

Trong khu vườn cây ăn trái và điều đang cho thu bói, anh Nguyễn Văn Thỉnh (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) đang ra sức chăm chút những mầm xanh. Anh buồn rầu kể, lẽ ra trên diện tích này gia đình anh giờ chỉ có thu hoạch rồi định kỳ phục hồi vườn cây nếu như anh không mua phải 1,2 tấn phân bón không đúng tiêu chuẩn công bố trên bao bì về bón và khiến vườn tiêu 800 gốc đang cho thu hoạch bị chết hàng loạt.

Sự cố ấy khiến vợ chồng anh mất trắng hơn 700 triệu đồng. Tiêu thì chết, không có nguồn thu, trong khi số nợ mà gia đình anh đã vay ngân hàng hơn 300 triệu đồng để mua giống, đổ trụ bê tông trồng tiêu, hằng tháng phải trả cả lãi lẫn gốc khiến gia đình anh càng điêu đứng hơn. 

Sau "tai nạn" đó, anh bỏ đất trống hơn 1 năm, rồi cố gắng cầm cự vay gần 100 triệu đồng để đầu tư trồng điều và cây ăn trái, làm lại từ đầu. “Vất vả, nợ nần nhưng cũng phải tiếp tục sản xuất, tìm kế sinh nhai rồi tính đường trả nợ tiếp chứ còn biết làm gì hơn”, anh Thỉnh chua xót nói.

Vườn cây hiện đang cho thu bói nhưng tính sơ sơ, vợ chồng anh Thỉnh đã gánh nợ hơn 400 triệu đồng. Mất của, anh cũng mất thời gian, công sức khiếu nại vụ việc để đòi lại công bằng cho mình, thế nhưng đến nay, anh vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ phía đơn vị sản xuất.

Vườn tiêu của anh Phạm Quang Trung (xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) từng bị rụng lá hàng loạt sau một sự cố phun thuốc bảo vệ thực vật.

Trong cuộc đời làm nông của mình, anh Phạm Quang Trung (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) mãi không thể quên sự cố xảy ra 6 năm trước, khi anh vừa phun thuốc BVTV xong thì một ngày sau đó, vườn tiêu gần 1.000 trụ của vợ chồng anh đang xanh mơn mởn, trĩu quả bị cháy lá và rụng trái hàng loạt.

Sau 6 chai phân bón lá và thuốc trừ sâu  đã phun cho vườn tiêu vô tình khiến gia đình anh bị mất trắng 2 tấn tiêu sau bao năm dồn sức chăm bón. Vợ anh lúc ấy khóc ngất khi nghĩ đến số tiền 220 triệu đồng đang vay mượn của ngân hàng. Vì không chịu nổi những áp lực và khó khăn trước cú sốc từ số tiêu chết, vợ chồng anh Trung rơi vào cảnh khủng hoảng tâm lý.

Sau sự cố, anh chị gắng gượng dậy, gây dựng lại kinh tế từ con số âm và tìm mọi cách để cứu cây. “Hai vợ chồng đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy, làm không có ngày nghỉ, được đồng nào thì lo trả nợ và dồn hết vào chăm vườn tiêu”, anh Trung kể. Phải mất hai năm sau, vườn cây mới hồi phục và cho thu hoạch trở lại. Chật vật mãi, vợ chồng anh mới trang trải trả được nợ nần. Từ nỗi ám ảnh đó, anh chị trở nên dè dặt hơn mỗi khi cần phải mua phân bón, thuốc BVTV.

Đến hẹn... lại lo!

 

Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam:

-Trung bình mỗi năm, nông dân tiêu thụ: trên 10 triệu tấn phân bón các loại.

-Trong đó: chiếm tới 30 - 50% là bị phân bón giả, phân bón nhái, kém chất lượng

Theo tính toán của cơ quan chức năng, hằng năm, nhu cầu tiêu thụ phân bón trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 1 triệu tấn các loại, thuốc BVTV khoảng 1.600 tấn/năm. Nếu mua phải phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng sẽ gây hậu quả nặng nề, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, nguồn nước, công sức, tài sản của người nông dân coi như mất trắng.

Chính vì vậy, mỗi khi vào vụ mới, cùng với kỳ vọng về vụ mùa bội thu thì nông dân cũng có không ít nỗi băn khoăn. Trong đó, chất lượng phân bón, vật tư nông nghiệp luôn là nỗi lo thường trực của người nông dân. Đứng trước “ma trận” danh mục phân bón, vật tư nông nghiệp trên thị trường, nông dân không khỏi lo lắng.

Ông Nguyễn Tưởng, một nông dân có 4 ha trồng cà phê, tiêu ở xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) lo lắng cho hay, phân bón, thuốc BVTV là mặt hàng thiết yếu với nhà nông. Mỗi năm, vào mùa mưa, ông bón từ 2 - 3 đợt phân cho cây trồng, lần nào đi mua cũng hỏi kỹ chỗ bán để yên tâm, dẫu biết, cũng chỉ là mua bằng... niềm tin. Bằng mắt thường, người nông dân rất khó phân biệt được thật giả. Do đó, ông rất mong sự vào cuộc kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng để bảo vệ cây trồng cho bà con. Nhà nông rất mong được tiếp cận những sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cạnh tranh, hợp lý.

Tổ thương mại điện tử (Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk) theo dõi việc kinh doanh hàng hóa trên môi trường mạng.

Trong khi đó, doanh nghiệp làm ăn chân chính lại chịu thiệt khi thị trường phân bón vẫn tràn lan các sản phẩm phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng giá rẻ.

Bà Nguyễn Thị Hồng, phụ trách bán hàng Công ty Cổ phần BMC Việt Nam (tỉnh Long An) cho biết, theo phản hồi từ người tiêu dùng và hệ thống phân phối, khoảng tháng 9/2021, công ty phát hiện sản phẩm "KHAI HOANG Q7" bị làm giả, bày bán ở thị trường tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai và cạnh tranh trực tiếp với hàng thật. Sản phẩm chính hãng của công ty bán ra có giá 150.000 đồng/chai (loại 900 ml), trong khi hàng giả nhãn hiệu này chỉ bán giá từ 110.000 - 120.000 đồng/chai.

Không chỉ làm giả, gian thương còn cố tình thêm chất cấm vào sản phẩm, điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh. Nếu mua phải hàng giả, chẳng những nông dân sử dụng không mang lại hiệu quả mà còn gây thiệt hại về kinh tế và làm ảnh hưởng đến môi trường sống.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Mạnh tay “gạn đục, khơi trong” thị trường

Trâm Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.