Multimedia Đọc Báo in

Tiểu thương e dè dự trữ hàng Tết

15:34, 03/12/2021

Lo ngại sức mua dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 không cải thiện, nhiều tiểu thương ở chợ dè dặt, không dám dự trữ hàng bán Tết.

Khác với không khí tất bật chuẩn bị hàng bán Tết như mọi năm, năm nay, tiểu thương ở chợ khá rảnh rang trước mùa cao điểm mua sắm lớn nhất trong năm. Chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột - đầu mối phân phối hàng hóa lớn nhất của tỉnh, thời điểm này không khí mua bán khá ảm đạm, hàng Tết chưa được trưng bày nhiều trên các sạp hàng như mọi năm.

Kinh doanh ở chợ hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (kinh doanh giày dép ở khu C, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột) cho hay, chưa năm nào chị lại rơi vào cảnh “ngồi chơi đợi khách” như lúc này. Mọi năm, đầu tháng 10 các tiểu thương tấp nập nhập hàng về bán dịp Tết, phần thì bán lẻ ở chợ, phần lớn vẫn đóng hàng sỉ đi khắp các nơi trong tỉnh. Năm nay, đến thời điểm này vẫn chưa thấy các mối sỉ có đơn nhập hàng. Khách đến chợ thì lác đác do người dân hạn chế ra đường phòng dịch. Có hôm từ sáng đến chiều, chị không bán được món hàng nào.

Ngành hàng thơì trang ở chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột treo biển bán hàng đồng giá để kích thích sức mua

Ông Phạm Minh Đồng có 4 sạp kinh doanh quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, mọi năm vào khoảng thời gian này là hàng hóa đã về tấp nập, cứ ba ngày một chuyến xe tải chở về, nhưng năm nay chợ ảm đạm chưa từng có. Hiện tại, hàng trong kho vẫn còn khá nhiều, ông đang tìm cách tiêu thụ dịp Noel và Tết dương lịch sắp đến để khỏi "găm" vốn. Về hàng bán Tết âm lịch, ông dự định chỉ nhập về với số lượng ít, vừa đủ bán chứ không dự trữ nhiều như mọi năm. 

Sau thời gian dài đóng sạp hàng để phòng dịch COVID-19, hiện hầu hết sạp hàng bánh kẹo, quần áo, giày dép ở các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã hoạt động trở lại. Theo nhiều tiểu thương, sức mua những ngày qua khá yếu và chưa thấy có dấu hiệu cải thiện. Trong khi đó, giá các mặt hàng bánh kẹo, giày dép, hàng khô... từ các đầu mối phân phối đã báo giá tăng từ 5 - 10%, chi phí vận chuyển cũng tăng so với trước. Đầu ra gần như chưa có tín hiệu tích cực, điều này khiến nhiều người e dè không dám dự trữ hàng cho dịp Tết năm nay.

Chị Nguyễn Thị Bích Liên, kinh doanh bánh kẹo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, vì chưa có đơn hàng của khách sỉ, bán lẻ lại ế ẩm nên chị không chủ động đặt hàng Tết với các đầu mối phân phối, dù biết rằng, hàng Tết phải đặt sớm mới được ưu tiên mức giá tốt nhất. Dự phòng sức mua tăng cao vào những ngày cận Tết, chị sẽ đặt hàng với số lượng vừa phải, hết đến đâu nhập về bán đến đó chứ không dám trữ sẵn nhiều.

Tiểu thương ở các chợ Tân An, Tân Thành, chợ đầu mối Tân Hòa... cũng khá e dè, chưa ai dám “mạnh tay” trữ nhiều hàng trước tình hình thị trường không mấy sôi động như hiện nay.

Tiểu thương quầy bánh kẹo chưa dám nhập thêm hàng về bán dịp Tết vì lo ngại sức mua.

Bên cạnh nỗi lo về đầu ra của hàng hóa bán cho Tết, tiểu thương ở ngành hàng may mặc, thời trang, bánh kẹo cũng cho biết, nguồn cung ứng không còn dồi dào, đặt hàng là có sẵn như trước đây, bởi các cơ sở sản xuất từ các tỉnh phía Bắc và phía Nam đều thông tin thiếu nhân công, nguyên liệu sản xuất... 

Theo ghi nhận, do sức mua trên thị trường chậm nên nhiều tiểu thương ở chợ cố gắng giữ giá, chấp nhận ít lợi nhuận để bán cho được hàng. Một số mặt hàng quần áo, giày dép ở chợ còn treo biển giảm giá, đồng giá nhằm thu hút khách hàng. Để kích sức mua, ngoài cạnh tranh về giá, tiểu thương còn thay đổi cả cách bài trí, trưng bày hàng hóa bắt mắt, tiện dụng cho người mua.

"Thời điểm này, lượng hàng về chợ chỉ bằng 30% so với mọi năm.  Ban Quản lý chợ cũng tích cực triển khai các biện pháp phòng dịch, tuyên truyền người dân, tiểu thương tham gia hoạt động mua bán, giao dịch hàng hóa phải bảo đảm 5K" - ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng Ban Quản lý chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Mặc dù đã tìm nhiều cách và tung ra các “chiêu” để thu hút khách hàng song nhìn vào thị trường những tháng cuối năm, hầu hết tiểu thương ở chợ chưa dám chắc về sức mua sẽ tăng đột biến trong dịp Tết này. Thành ra, họ chờ tín hiệu lạc quan từ thị trường và cân nhắc, tính toán phù hợp, làm sao nhập hàng về bán dịp Tết vừa có thu nhập vừa bảo đảm số lượng để không thiếu, không thừa.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.