Từng bước phục hồi, tạo đà tăng trưởng kinh tế
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có những chuyển biến tích cực, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, để tạo động lực tăng trưởng trong năm 2022 vẫn cần những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa...
Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ ba, HĐND tỉnh khóa X, năm 2021 kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, với sự tập trung cao độ, thích ứng, linh hoạt trong chỉ đạo, quản lý, điều hành; cùng với sự vào cuộc, phối hợp, chung tay của toàn hệ thống chính trị, sự chấp hành và ủng hộ của nhân dân đã góp phần thực hiện cơ bản “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế.
Một góc khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia |
Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu, có 8 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (KH); 6 chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch, nhưng có chỉ số thành phần chưa đạt; 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Một số chỉ tiêu đạt kết quả nổi bật như: GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 49,98 triệu đồng/người. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 42.027 tỷ đồng, bằng 141,03% KH (tăng 0,27%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 100,32% KH (tăng 2,84%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.150 tỷ đồng, bằng 109,96% KH HĐND tỉnh giao và bằng 151,78% KH Trung ương giao. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ước đạt 54,3% (tăng 2,3%). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 18,2%. Có trên 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (KH: 69/152 xã). Tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; điều tra, khám phá án hình sự đạt tỷ lệ trên 95,3%; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2020.
“Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng năm 2022, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, yêu cầu nhiệm vụ đối với cả hệ thống chính trị trong thời gian tới là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải tập trung trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để đảm bảo thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…". Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ngành, lĩnh vực gặp không ít khó khăn: Giá cả một số sản phẩm nông nghiệp thấp trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh. Năng lực y tế, nhất là cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Việc tiếp cận nguồn vắc xin chưa đảm bảo nhu cầu. Lượng khách du lịch giảm 45,12%, doanh thu du lịch giảm 46,56% so với cùng kỳ. Một số nhà máy sản xuất công nghiệp hoạt động cầm chừng; có lúc vận chuyển, lưu thông hàng hóa bị ách tắc. Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Một số công trình xây dựng tạm thời dừng thi công, kéo dài thời gian thực hiện. Hoạt động GD-ĐT bị gián đoạn; trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Cải cách hành chính vẫn còn nhiều chỉ tiêu thành phần đạt thấp; kết quả kiểm tra giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) vẫn còn tình trạng trễ hạn…
Thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhận định: Trong năm 2022, dự kiến tình hình dịch COVID-19 sẽ vẫn diễn biến hết sức phức tạp, điều này sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Nhưng năm 2022 cũng là năm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế sau tác động của dịch COVID-19, do đó dự kiến sẽ có nhiều cơ hội phát triển mới được đề ra. Tình hình sản xuất kinh doanh, các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực sẽ dần trở lại hoạt động ổn định; đầu tư cho chuyển đổi số sẽ được quan tâm…
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế của tỉnh đảm bảo phù hợp với Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 của Trung ương, Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với phát triển chiều sâu; tích cực huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội…
Sản xuất các thành phẩm từ cao su ở Công ty TNHH MTV Chỉ thun cao su Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Xem xét, đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế cho rằng: Trong tình hình khó khăn chung, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 5,1% là kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra (KH 6,46%). Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025, tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm; chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 7,27%, đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề.
Do vậy, ngay từ năm 2022 phải có những giải pháp hiệu quả về phát triển kinh tế, nhất là các giải pháp về thu hút đầu tư với thế mạnh của tỉnh; rà soát lại các dự án có quy mô lớn đã đăng ký đầu tư, trên cơ sở đó chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Đồng thời cần quan tâm giải quyết TTHC nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; ưu tiên những dự án có lợi thế của tỉnh, cũng như phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư hoàn thiện các hạng mục tại các khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc