Multimedia Đọc Báo in

Về đâu trạm cân lưu động?

08:15, 29/12/2021

Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, đầu tháng 5/2014, Đắk Lắk đưa vào vận hành Trạm cân lưu động số 53 (gọi tắt là Trạm cân 53) nhằm kiểm soát tải trọng trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, góp phần giảm sự xuống cấp các công trình giao thông đường bộ do xe chở quá tải trọng gây ra và bảo đảm an toàn giao thông các tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

Theo Kế hoạch phối hợp 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Công an, Trạm cân 53 đi vào hoạt động có sự phối hợp giữa nhiều lực lượng gồm: Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, lực lượng quân sự và một số trường hợp là hợp đồng lao động. Để bảo đảm hoạt động 24/24 giờ tại Trạm cân 53, tổng số cán bộ thực hiện nhiệm vụ và người lao động cần là 29 người.

Giai đoạn đầu đưa vào khai thác, các trạm cân lưu động trên phạm vi cả nước đã phát huy hiệu quả cao trong việc kiểm soát tải trọng phương tiện. Riêng tại Trạm cân 53 của tỉnh Đắk Lắk (từ ngày 6/5/2014 đến 30/8/2016 – đây là giai đoạn phối hợp giữa các lực lượng nêu trên) đã kiểm tra 11.973 phương tiện. Qua đó, phát hiện 797 xe vi phạm, tổng khối lượng hạ tải 1.772 tấn, số tiền đã xử phạt hơn 5,9 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 216 trường hợp.

Phương tiện của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 53 hiện đang đặt ở khu vực nhà xe của Sở Giao thông vận tải.

Giai đoạn sau khi kết thúc thực hiện Kế hoạch phối hợp 12593/KHPHBGTVT-BCA, thực hiện Thông báo số 3734/C67-P9, ngày 16/9/2016 của Bộ Công an và Công văn số 7943/UBND-CN, ngày 5/10/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe, kể từ ngày 20/9/2016, lực lượng công an không còn phối hợp với ngành GTVT trong việc kiểm soát tải trọng xe tại trạm. Sở GTVT tiếp tục duy trì hoạt động của Trạm cân 53 nhưng số người làm việc tại trạm chỉ còn 6 hợp đồng lao động và 3 thanh tra giao thông (bằng 1/3 so với ngày thành lập trạm). Trạm hoạt động 24/24 giờ, mỗi ca trực chỉ có 2 nhân viên hợp đồng và 1 thanh tra viên để dừng xe, lập biên bản vi phạm hành chính. Lực lượng mỏng, trong hơn 5 năm (từ tháng 9/2016 đến ngày 31/12/2020), chỉ có 287 phương tiện được kiểm tra, trong đó số xe vi phạm 105 trường hợp, tổng khối lượng hạ tải 419 tấn, số tiền đã xử phạt hơn 1 tỷ đồng và tước giấy phép lái xe 36 trường hợp.

Không thể phủ nhận hiệu quả của trạm cân lưu động trong công tác kiểm soát tải trọng xe, đặc biệt là trong giai đoạn đầu có sự phối hợp của nhiều lực lượng. Tuy nhiên, từ ngày 31/12/2020 đến nay, thực hiện Kết luận Thanh tra số 276/TB-TTBNV, ngày 11/6/2020 của Thanh tra Bộ Nội vụ, Sở GTVT đã thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ, chính sách đối với 6 hợp đồng lao động đang làm việc tại Trạm cân 53 theo quy định của Bộ luật Lao động. Vì thế, Trạm cân 53 đã tạm dừng hoạt động từ ngày 31/12/2020 đến nay. Trạm cân 53 tại Đắk Lắk nằm trong số 20 trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã dừng hoạt động khi kết thúc Kế hoạch phối hợp liên ngành 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GTVT.

Trên thực tế, để một trạm cân lưu động đi vào hoạt động, phải đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm phương tiện, trang thiết bị liên quan. Không còn lao động để duy trì, việc trạm cân lưu động “trùm mền” ít nhiều gây lãng phí ngân sách và tình trạng xe quá tải, quá khổ cũng vì thế mà không được kiểm soát thường xuyên, liên tục.

Khánh Băng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.