Multimedia Đọc Báo in

Khi khoa học công nghệ đồng hành cùng doanh nghiệp

06:10, 18/01/2022

Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Huyện Krông Ana có điều kiện thuận lợi để phát triển nấm, tuy nhiên việc trồng nấm vẫn theo quy trình công nghệ chưa được hoàn thiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Trước thực tế trên, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) và Hợp tác xã (HTX) Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm theo chuỗi giá trị tại tỉnh Đắk Lắk” cho nhiều người dân, tổ hợp tác và HTX trồng nấm trên địa bàn huyện.

Nhân viên Công ty Cổ phần nông nghiệp hữu cơ An Phú thực nghiệm chế biến các sản phẩm từ quả bơ. 

Được chuyển giao khoa học kỹ thuật, anh Dương Huỳnh Linh (ở thôn 1, xã Quảng Điền) đã đầu tư thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính. Anh Linh xây dựng nhà kính trồng nấm rộng 32 m2, bắt bóng đèn để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm...  “Nếu làm theo cách bình thường thì tỷ lệ đạt nấm chỉ từ 12 - 15%. Nay áp dụng khoa học công nghệ nên tỷ lệ này tăng lên 17 - 18%”, anh Linh cho biết.

Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc HTX Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana cho rằng, việc chuyển giao công nghệ sản xuất các loại nấm theo chuỗi giá trị là hướng đi mới cho người trồng nấm trên địa bàn huyện. Đặc biệt, huyện Krông Ana là vựa lúa của tỉnh, có nguồn rơm để trồng nấm dồi dào, là điều kiện để thúc đẩy người dân, các tổ hợp tác, HTX phát triển diện tích trồng nấm rơm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Bà Đinh Thị Danh (bên phải), Giám đốc Hợp tác xã Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana chia sẻ phương pháp trồng nấm mới. 
 

Đến nay, Trại thực nghiệm KH&CN Đắk Lắk (quy mô 6 ha) và “Trại thực nhiệm KH&CN huyện Cư M’gar” đã đi vào hoạt động, triển khai các mô hình ứng dụng KHCN trên địa bàn. Hiện toàn tỉnh có 22 đề tài KH&CN cấp quốc gia, 53 đề tài cấp tỉnh, 18 đề tài cấp cơ sở đang triển khai đúng tiến độ, nội dung phê duyệt…” 

 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ An Phú (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột), thành viên của Tập đoàn Sản xuất và xuất khẩu cà phê An Thái, là một trong những DN ứng dụng hiệu quả KHCN vào sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2020 trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, công ty đã chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư thêm trang thiết bị máy móc hiện đại để nghiên cứu sản phẩm mới từ các loại nông sản đặc trưng của tỉnh, như: mít, xoài, sầu riêng, bơ, chanh dây, khoai, chuối… Cùng với sự hỗ trợ của các Bộ, Sở KH&CN, công ty đã triển khai Dự án “Chế biến cây ăn quả và bơ” nhằm áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản các loại trái cây, đặc biệt là quả bơ.

Theo ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sản xuất và xuất khẩu cà phê An Thái, sau khi triển khai Dự án, công ty tập trung nghiên cứu các phương pháp bảo quản bơ nguyên quả bằng công nghệ điện trường của Nhật Bản. Khắc phục những khó khăn trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, đến nay công ty đã sản xuất thành công các sản phẩm từ bơ như: bơ sấy khô dạng bột, tinh dầu bơ, bột bơ không béo… và nhận được nhiều đánh giá tích cực; riêng sản phẩm tinh dầu bơ được thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc rất quan tâm. Ông Lợi phấn khởi: “Việc đầu tư vào KHCN mở ra một hướng đi mới cho sản phẩm; tạo bước đột phá trong áp dụng công nghệ chế biến quả bơ - một loại quả rất khó bảo quản. Thành công từ chế biến quả bơ sẽ giúp công ty thực hiện các sản phẩm nông sản khác được thuận lợi hơn…”.

Có thể thấy, bên cạnh sự chủ động của người dân, DN, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo lực đẩy cho người dân, cộng đồng DN đầu tư vào KHCN. TS. Đinh Khắc Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 13/10/2021 về phát triển KHCN giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định KHCN sẽ đồng hành cùng người dân, DN trong việc hỗ trợ đổi mới công nghệ, vận dụng công nghệ mới tạo ra các sản phẩm có giá trị trên thị trường. Đây được xem là "chìa khóa" quan trọng, tiếp sức để người dân, DN có thêm động lực đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025 trong “trạng thái bình thường mới” vừa tập trung chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.