Multimedia Đọc Báo in

Krông Pắc mở đường cho nông sản vươn xa

10:23, 31/01/2022

Tìm đường tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp là vấn đề được huyện Krông Pắc quan tâm và cụ thể hóa qua những hành động thiết thực. Những bước đi mạnh bạo, sáng tạo của huyện trong mùa vụ sầu riêng 2021 đã mở hướng cho chặng đường phát triển nông sản tương lai.

Kết nối "4 nhà"

Trải qua sự sàng lọc của thời gian, sự chọn lựa của thị trường, cây sầu riêng đã bén rễ vững chắc, trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực cho thu nhập cao ở huyện Krông Pắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyện đã từng “mất ăn mất ngủ” khi phải đối mặt với thực tế “tắc” đầu ra vào thời điểm chính vụ thu hoạch tháng 8/2021, sầu riêng chín, thậm chí rụng nhưng thương lái mua rất cầm chừng, đứt đoạn. Giữa khó khăn chồng chất, cơ quan chức năng địa phương đã chủ động tìm hiểu kỹ tình hình để có giải pháp tháo gỡ phù hợp, từ thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ, kiến nghị về chính sách, đến động thái hỗ trợ doanh nghiệp từ địa phương khác về thu mua, bảo đảm an toàn dịch bệnh, tìm kho đông lạnh để cấp đông sầu riêng chờ thông thương trở lại…

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến thăm một doanh nghiệp thu mua sầu riêng vụ mùa năm 2021

Huyện đã tổ chức Hội nghị gặp mặt và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mặt hàng sầu riêng năm 2021. Cuộc gặp gỡ được tổ chức trong thời gian ngắn với sự tham gia đại diện của các bên liên quan nhưng đã tạo được môi trường xúc tác, kết nối giữa người bán, người mua, người quản lý. Mối liên kết được nhìn nhận trong sự tác động đa chiều của dịch bệnh đã đem đến góc nhìn mới về sợi dây liên kết “bốn nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông); giúp các bên chia sẻ khó khăn và giải tỏa căng thẳng của mùa vụ. Nhiều doanh nghiệp thẳng thắn nói lên những kỳ vọng, trăn trở về hoạt động thu mua, chế biến, đầu tư đối với loại sản phẩm hấp dẫn này.

Những chính sách mang tính chất mở đường cho mùa vụ sầu riêng 2021 của huyện Krông Pắc đã giúp người dân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng nhìn đúng vị trí của mình trong chuỗi cung cầu nông sản trong bối cảnh mới. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) phân tích, ngoài khó khăn chung của doanh nghiệp mùa dịch thì câu chuyện chế biến, bảo quản sầu riêng cũng khiến doanh nghiệp “hao sức” rất nhiều khi sầu riêng bóc múi khó bảo quản và chi phí bảo quản lớn, rủi ro cao. Cuộc gặp mặt của chính quyền huyện Krông Pắc đã đem đến những năng lượng tích cực cho người kinh doanh sầu riêng giữa mùa dịch. Có nhiều kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết của huyện nhưng một tâm thái đồng hành, sẻ chia sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục gắn bó với sầu riêng, với địa phương trên tiến trình phát triển trong tương lai.

Chế biến sầu riêng cấp đông tại một doanh nghiệp ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc.

Hướng về mùa lễ hội trái cây

Với tổng diện tích hơn 3.300 ha, sản lượng bình quân hằng năm trên 40.000 tấn, sầu riêng mang lại nguồn thu nhập rất lớn mỗi năm (khoảng 1.300 - 1.700 tỷ đồng) cho người dân Krông Pắc và trở thành cây trồng chủ lực được huyện lựa chọn để tạo dựng nên thương hiệu của địa phương. Mỗi mùa thu hoạch sầu riêng thường kéo dài hơn một tháng, từ tháng 8 đến cuối tháng 9 hằng năm. Dựa trên lịch mùa vụ này, huyện Krông Pắc đang hướng đến việc xây dựng mùa lễ hội trái cây hằng năm nhằm quảng bá về đặc trưng, thế mạnh của huyện. Bởi ngoài lợi thế về sầu riêng, Krông Pắc còn có nhiều loại nông sản khác đang được nông dân trồng và thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương Kiểm tra chất lượng sầu riêng tách múi cấp đông tại một cơ sở chế biến ở xã Ea Yông, huyện Krông PắcẢnh: T.HƯỜNGnhư cà phê, bơ, chuối, vải chín sớm, nhãn… Đặc biệt là hệ thống giao thương hàng hóa rất thuận lợi, nằm liền kề với TP. Buôn Ma Thuột, có tuyến Quốc lộ 26 ngang qua dễ dàng thu hút du khách từ các vùng miền khác tìm về mùa lễ hội theo tuyến du lịch từ vùng biển Nha Trang lên, TP. Buôn Ma Thuột xuống, Đà Lạt qua…

Kiểm tra chất lượng sầu riêng tách múi cấp đông tại một cơ sở chế biến ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tổ chức lễ hội trái cây là chủ trương của huyện và cũng là nguyện vọng của nhân dân. Người dân đang nỗ lực sản xuất theo hướng đa dạng chủng loại cây trồng một cách phù hợp, hướng đến các tiêu chí an toàn, phát triển bền vững nhằm đem đến sự đa dạng cho nông sản. Thực tế, huyện cũng đã tổ chức thử nghiệm mô hình lễ hội dưới hình thức hội chợ nông sản vào các năm 2019, 2020 và đã có những hoạt động mới mẻ, đem đến sự hào hứng cho khách tham quan như tổ chức đấu giá sầu riêng, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thương mại nông sản; kích cầu đầu tư…

Phải mất khá nhiều thời gian, công sức để định hình một lễ hội trái cây ở đây. Tuy nhiên với sự chủ động linh hoạt trong chính sách hỗ trợ thu mua sầu riêng mùa vụ năm 2021 đầy khó khăn vừa qua, chính quyền và nhân dân Krông Pắc sẽ sớm thực hiện được mục tiêu đề ra.

Theo thống kê của UBND huyện Krông Pắc, toàn huyện hiện có 25 cơ sở chế biến trái cây với công suất từ 50 - 100 tấn thành phẩm/cơ sở.

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.