Làm giàu từ đam mê hoa lan
Với niềm đam mê hoa lan, cách đây 5 năm, từ người làm trong nghề du lịch, anh Nguyễn Văn Long (SN 1988, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) quyết định rẽ hướng khởi nghiệp từ việc trồng hoa lan.
Anh Long chia sẻ, từ khi còn nhỏ anh đã rất thích tìm hiểu về các loại hoa lan, sưu tầm giống và tự nhập mô, nhân giống trồng tại nhà. Lớn lên, anh vào TP. Hồ Chí Minh học tập, làm việc nên đành gác lại thú vui này. Năm 2014, khi công việc tại TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn, anh trở về quê xin vào làm việc tại một công ty phát triển mảng du lịch trên địa bàn. Thời gian rảnh rỗi, anh lặn lội đi khắp các nhà vườn trong tỉnh, ngoài tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh... giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, sưu tầm những loài lan quý hiếm mang về ươm, trồng. Bên cạnh đó, anh tham gia các hội nhóm hoa lan trên mạng xã hội Zalo, Facebook để trau dồi thêm kiến thức về hoa lan... Năm 2017 khi chủ động được về vốn, anh Long nghỉ việc và mở vườn lan An Nhiên bắt đầu khởi nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Long (bên phải) chia sẻ về cách chăm sóc hoa lan. |
Sau nhiều năm sưu tầm, lai tạo, nhân giống, hiện nay tại vườn lan của anh Long có trên 200 loại hoa lan. Trong đó, có nhiều loại hoa bình dân, dễ kiếm như nghinh xuân, sơn thủy tiên, hồ điệp, denro, mokara, cũng có loại lan quý hiếm có giá bạc tỷ (bộ sưu tập lan giả hạc…). Từ việc kinh doanh lan, trung bình anh Long thu lợi từ 50 - 70 triệu đồng/tháng. Riêng mùa hoa Tết 2021, anh Long bán được gần 300 giò lan nghinh xuân, 200 giò lan sơn thủy tiên… thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ngoài vườn lan An Nhiên là nơi để người yêu lan giao lưu, mua bán, anh Long còn có một vườn lan tại nhà để nhân giống, lai tạo, trưng bày bộ sưu tập những loại lan rừng, lan quý hiếm có giá trị cao. Đối với anh Long, hoa lan không chỉ giúp anh thỏa mãn đam mê, mang lại kinh tế cho gia đình mà còn giúp anh học được tính kiên trì, bền bỉ trước những thử thách trong cuộc sống.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc