Những người trẻ đưa sản phẩm tinh dầu vươn xa
Tống Thị Hoài Phương là cô gái trẻ sinh ra và lớn lên ở TP. Buôn Ma Thuột. Cô có 5 năm làm việc cho một công ty về công nghệ thông tin ở TP. Hồ Chí Minh với thu nhập hấp dẫn.
Ấy vậy mà, năm 2018 cô quyết định từ bỏ tất cả mọi thứ mà nhiều người mơ ước ở vùng đất hoa lệ để trở về quê nhà Đắk Lắk lập nghiệp theo con đường riêng. Cô gái ấy chọn hướng đi của mình là khởi nghiệp từ những nông sản đặc trưng tại địa phương. Hoài Phương dành thời gian tìm hiểu cơ hội kinh doanh từ sản phẩm cà phê, hạt điều…
Thế nhưng, cô gái trẻ lại bị “say” bởi hương thơm của những loại tinh dầu. Từ niềm đam mê, cô bắt đầu bước vào kinh doanh tinh dầu. Ban đầu, Phương tập trung buôn bán các loại tinh dầu thô từ sả, hương nhu, cam, quýt…
Khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena. |
Người đồng hành với Thu Phương từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp bằng tinh dầu cũng là một cô gái trẻ đầy cá tính - Phạm Ngọc Khuyên. Đó là kế toán của một doanh nghiệp tại Hà Nội. Họ gặp nhau trong một lần Khuyên vào TP. Buôn Ma Thuột du lịch kết hợp tìm hiểu về những đặc sản Tây Nguyên. Những câu chuyện khi cùng đi về vùng nguyên liệu khiến hai cô gái “gặp nhau” trong niềm đam mê và tâm huyết đối với sản phẩm tinh dầu. Ngọc Khuyên quyết định từ bỏ công việc ở thủ đô để theo đuổi tình yêu với mùi hương tinh dầu.
Thời gian đầu, việc kinh doanh của họ thuận lợi, sản phẩm chạy thường xuyên. Tuy nhiên, thấy lợi nhuận từ bán tinh dầu khá hấp dẫn, nhiều người đua nhau buôn bán sản phẩm này. Thậm chí, các nông hộ trực tiếp nấu tinh dầu cũng đổ xô bán hàng online, nên thị trường cạnh tranh khốc liệt. Phải đối mặt với nhiều khó khăn, Phương và cộng sự nhận ra rằng, muốn thành công từ tinh dầu phải có cách làm bài bản, sản phẩm chất lượng và tận dụng được lợi thế vùng miền. Từ đó, họ bắt đầu thay đổi cách làm với mục tiêu hướng đến là xây dựng được thương hiệu tinh dầu Việt Nam bảo đảm sự hài hòa giữa thiên nhiên và sức khỏe người tiêu dùng.
Tống Thị Hoài Phương (bên phải) nghiên cứu, chiết xuất tinh dầu trong phòng lab. |
“Chúng tôi mong muốn hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đặc trưng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho tinh dầu Việt Nam và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho bà con nông dân”. Giám đốc HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena Tống Thị Hoài Phương
|
Điều may mắn với Phương và Khuyên trong những ngày đầu khởi nghiệp là gặp được những người trẻ cùng tâm huyết với sản phẩm tinh dầu thiên nhiên.
Đầu năm 2021, Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ tinh dầu và dược liệu Hena (HTX) được thành lập với 7 thành viên, do Tống Thị Hoài Phương làm Giám đốc. HTX liên kết với người dân để tiến hành sản xuất chuyên sâu theo mô hình sản xuất khép kín từ khâu làm đất, chọn cây giống, kỹ thuật canh tác đến chế biến đạt chuẩn chất lượng.
Các lò nấu tinh dầu được triển khai tại vùng nguyên liệu. Đơn vị xây dựng phòng lab phục vụ cho việc nghiên cứu và điều chế sản phẩm. Bã phế phẩm sau tinh dầu được điều chế thành các sản phẩm tẩy rửa hay ủ thành phân bón hữu cơ, cung cấp cho người dân bón lại ruộng vườn nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí.
Để tạo sản phẩm chất lượng tốt thì giống cây nguyên liệu được HTX tuyển chọn kỹ lưỡng, sản phẩm đầu ra phải qua kiểm nghiệm chất lượng gắt gao của đơn vị độc lập.
Hiện nay, HTX đã liên kết với người dân để có nguyên liệu với 12 loại cây tại các tỉnh Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Bình Thuận và Yên Bái. Riêng tại Đắk Lắk, đơn vị có 100 ha nguyên liệu đang khai thác tại huyện Buôn Đôn, Ea H’leo, Ea Kar gồm các loại cây: hương nhu, sả, sachi… được trồng theo hướng hữu cơ. HTX đã sản xuất được 19 sản phẩm các loại, được tiêu thụ ở thị trường trong cả nước. Đặc biệt, các loại sản phẩm tinh dầu ép lạnh từ hạt mắc ca, sachi, óc chó đã xuất khẩu đi Malaysia, Đài Loan với sản lượng đáng kể. Hoài Phương chia sẻ, Đắk Lắk có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để trồng các loại cây cho tinh dầu như: mắc ca, sachi, sả, hương nhu và các loại cây có múi. Thời gian tới, HTX sẽ phát triển liên kết với người dân để mở rộng vùng sản xuất, đưa nông dân vào HTX để thắt chặt liên kết sản xuất, chia sẻ lợi nhuận và nghiên cứu, chế biến sâu tinh dầu thành các sản phẩm hóa mỹ phẩm có giá trị kinh tế cao hơn, đảm bảo chất lượng hơn cho người tiêu dùng.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc