Siết chặt thu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh
Nguồn thu thuế từ cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước hằng năm. Do đó, ngành thuế đã thực hiện nhiều giải pháp để quản lý thuế, thu thuế trong lĩnh vực này một cách hiệu quả, công bằng, công khai minh bạch.
Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 23.000 hộ, cá nhân kinh doanh đang hoạt động, số thuế, phí phát sinh là 21 tỷ đồng/tháng, 252 tỷ đồng/năm. Để quản lý thuế hiệu quả đối với các hộ kinh doanh, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các chi cục thuế trực thuộc triển khai công tác rà soát, lập bộ đầy đủ, đúng quy trình, quy định, bảo đảm 100% hộ kinh doanh trên địa bàn đều có mã số thuế và được quản lý thuế theo Luật Quản lý thuế. Đối với các địa bàn có biến động như người nộp thuế mới kinh doanh, hộ kinh doanh thay đổi địa điểm kinh doanh, người nộp thuế ngừng, nghỉ kinh doanh đều được các chi cục thuế theo dõi, lập danh sách và đưa vào quản lý. Công tác chống thất thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được siết chặt theo từng địa bàn, lĩnh vực, ngành nghề và theo nhóm rủi ro về thuế.
Ngành thuế hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế về thủ tục liên quan đến thuế. |
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các hộ kinh doanh, do đó, các chi cục thuế đã bám sát địa bàn, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, thông tin của hộ kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho người nộp thuế khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh và hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp thuế. Đặc biệt, ngành thuế đã quản lý chặt chẽ đối với nhóm hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện quản lý thuế theo rủi ro, nhóm cá nhân kinh doanh có mức doanh thu bất hợp lý so với các yếu tố tạo nên chi phí kinh doanh như: vị trí, diện tích kinh doanh, chi phí thuê địa điểm, giá trị tài sản, số lượng lao động…
Theo đánh giá của ngành thuế, công tác quản lý thu thuế cũng như kết quả thu từ hộ kinh doanh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, đối với hộ kinh doanh, do cơ chế chính sách là tự kê khai doanh thu, chủ yếu kinh doanh quy mô nhỏ lẻ không có sổ sách, chứng từ, hóa đơn, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý thuế, điều tra khảo sát doanh số của hộ kinh doanh có lúc chưa thực sự sát với thực tế. Bên cạnh đó, một số người nộp thuế không có địa chỉ kinh doanh cụ thể, thường xuyên vắng mặt ở nơi cư trú, trong khi ý thức hợp tác về kê khai nộp thuế chưa cao, kê khai không sát doanh thu thực tế nên rất khó để lập bộ quản lý.
Cán bộ Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra hoá đơn, chứng từ hộ kinh doanh trên địa bàn. |
Theo ông Nguyễn Sĩ Phấn, Trưởng Phòng Quản lý hộ cá nhân kinh doanh và thu khác (Cục Thuế tỉnh), để quản lý và khai thác tốt nguồn thu ngân sách nhà nước từ hộ kinh doanh, thời gian tới, ngành thuế sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý cá nhân ngừng, tạm ngừng kinh doanh, phát sinh kinh doanh; khai thác triệt để các nguồn thu không thường xuyên như: cơ sở kinh doanh lưu động, vận tải, kinh doanh mùa vụ, cho thuê nhà, dịch vụ du lịch lữ hành; yêu cầu các đội thuế xã, phường khảo sát các hộ có doanh thu dưới quy định, đặc biệt là những hộ nhiều năm chưa quản lý thuế để đưa vào quản lý thuế đúng quy định. Cùng với đó, ngành thuế cũng chú trọng tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ hộ kinh doanh về thuế bằng nhiều hình thức; tập huấn, hướng dẫn kịp thời chính sách thuế mới sửa đổi, bổ sung cho người nộp thuế, nhất là hộ mới kinh doanh, đối thoại với người nộp thuế để giải đáp kịp thời những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách thuế.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc