Multimedia Đọc Báo in

Bí thư chi bộ năng động

08:14, 15/02/2022

Năm 1993, gia đình ông Trần Đông Xuân rời quê hương Bình Định vào lập nghiệp tại thôn 1, xã Cư Mốt (huyện Ea H'leo).

Sau một thời gian dành dụm, tích góp, từ năm 1995, ông Xuân mua thêm đất để trồng cà phê xen điều. Đến năm 2015, nhận thấy cây điều hiệu quả kinh tế không cao, ông Xuân bàn với vợ phá bớt diện tích điều để trồng 400 cây cao su. Thời gian sau, ông Xuân tiếp tục đầu tư mua đất trồng thêm 300 cây ca cao. Hiện nay, với 2 ha đất, gia đình ông Xuân có 7 sào cao su, 3 sào cà phê, 100 cây điều, 4 sào tiêu và 4 sào ca cao. 

Ngoài ra, ông Xuân còn tập trung phát triển chăn nuôi bò. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu được 1 tấn cà phê, hơn 4 tấn cao su, 1 tấn điều, 3 tạ tiêu và bán bò cho tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng thêm 4 sào lúa nước để phục vụ nhu cầu hằng ngày của gia đình.

Ông Xuân kiểm tra mủ cao su thu hoạch trong vườn cây của gia đình.

Không chỉ năng động, chịu khó trong lao động sản xuất, ông Trần Đông Xuân còn tích cực tham gia công tác xã hội nơi quê hương mới. Với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 1 (xã Cư Mốt), ông Xuân luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc; gương mẫu, đi đầu trong các phong trào với phương châm “nói đi đôi với làm”.

Ông đã tích cực tuyên truyền, vận động đảng viên và nhân dân hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp ngày công và kinh phí xây dựng hai tuyến đường bê tông trong thôn với chiều dài 800 m.

Ông luôn vận động bà con chăm lo lao động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập; đồng thời sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm phát triển kinh tế cho bà con.

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ông dành thời gian “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; vận động, thông báo, hướng dẫn bà con tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ…

Nguyễn Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.