Multimedia Đọc Báo in

Dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hồ Ea Kao: Phát huy giá trị thủy lợi và khai thác tiềm năng du lịch

09:24, 06/02/2022

Cuối năm 2021, Dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hồ Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Dự án hồ Ea Kao) giai đoạn 1 hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần phát huy giá trị thủy lợi và khai thác tiềm năng du lịch, trở thành điểm dừng chân yêu thích của du khách trong và ngoài tỉnh.

Hồ Ea Kao cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 12 km theo hướng Đông Nam, được hình thành do việc chặn hai dòng suối Ea Knin, Ea Kao và một số suối nhỏ Ea Chăt, Cư Mblim… để xây dựng công trình thủy lợi. Từ trên cao nhìn xuống, lòng hồ mênh mông nước được ôm trọn bởi những cánh đồng, nương rẫy và khu dân cư ven đô vừa mang nét hiện đại vừa mang chút dáng dấp thôn quê mộc mạc, đơn sơ. Trong những năm qua, Trung ương và địa phương đã có nhiều chủ trương đầu tư các hạng mục hồ Ea Kao, nhờ đó phát huy tiềm năng, thế mạnh về thủy lợi và du lịch. Đặc biệt, mới đây khi toàn bộ các tuyến đập được nâng cấp, mở rộng tạo nên một diện mạo mới, hứa hẹn một cung đường du lịch lý tưởng cho vùng ven thành phố nói riêng và của tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk kiểm tra tuyến đập hồ Ea Kao.

Chị Hồ Thị Mến (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, hồ Ea Kao là điểm đến của gia đình chị vào dịp cuối tuần. Sau một tuần làm việc căng thẳng, chị xem đây là nơi để giải tỏa stress và không gian để các con vui chơi. Không những thế, mỗi lần ghé hồ chơi, cả gia đình được thỏa thú vui câu cá, “chiến lợi phẩm” mang về không nhiều nhưng ai cũng thích thú vì cảnh đẹp, khí hậu mát lành.

Các bạn trẻ check-in tại hồ Ea Kao.

Dự án hồ Ea Kao được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 21/3/2018, thuộc dự án nhóm B, tổng mức đầu tư trên 1.463 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, nguồn của tỉnh và nguồn vốn khác. Dự án được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sau điều chỉnh (năm 2018 - 2021) thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đập; nạo vét một phần lòng hồ, kinh phí hơn 41 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (năm 2021 - 2024) thực hiện các hạng mục nạo vét lòng hồ phần còn lại, đền bù giải phóng mặt bằng phạm vi làm mới tuyến tràn sự cố, kè mái hồ Ea Kao; tuyến đường du lịch sinh thái quanh hồ, cầu treo nối đập với khu vui chơi giải trí…, kinh phí khoảng 1.422 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 được khởi công xây dựng từ tháng 10/2020, do Liên danh Công ty TNHH Gia Thành và Công ty Cổ phần Xây dựng và đầu tư dầu khí làm nhà thầu chính, Công ty TNHH Xây dựng cầu đường Hoàng Nam đảm nhận.

Tuyến đập dài hơn 2,4 km được mở rộng, hoàn thành vào trung tuần tháng 12/2021 tạo nên diện mạo mới cho hồ Ea Kao.

Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban Quản lý dự án) cho biết, quá trình triển khai Dự án giai đoạn 1 rất thuận lợi khi được sự đồng thuận của người dân, sự quan tâm của Trung ương, chính quyền địa phương các cấp. Bên cạnh đó, với vai trò là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đã đôn đốc các nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, huy động tối đa nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến trung tuần tháng 12/2021, công trình chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đáng chú ý hạng mục mặt đập được mở rộng 8 m, đây vừa là tuyến đường giao thông nội vùng, vừa là đường du lịch lý tưởng ven lòng hồ. Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm tạo nguồn cấp nước phục vụ nông nghiệp, đảm bảo tưới cho 2.250 ha đất canh tác trong khu vực và tạo ra 150 ha diện tích mặt nước ổn định phục vụ khai thác du lịch và dịch vụ. Cụ thể, với dung tích thiết kế gần 18 triệu m3 nước, là nơi cung cấp nước tưới cho diện tích rộng lớn của các đồng lúa các xã Ea Kao, Hòa Xuân, Hòa Khánh, Hòa Phú và các phường Ea Tam, Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). Cùng với đó, hồ Ea Kao góp phần giảm tác động biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan môi trường, kêu gọi đầu tư và mở rộng không gian đô thị. Đây cũng là hồ nước có nguồn lợi thủy sản lớn, giúp người dân địa phương cải thiện cuộc sống và có thêm nguồn thu nhập.

Khánh Băng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.