Multimedia Đọc Báo in

Quản lý chăn nuôi trên nền tảng số

09:24, 06/02/2022

Tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” quan trọng để người chăn nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào những quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên (huyện Ea Kar) cung cấp cho thị trường khoảng trên 600 con heo rừng lai (tương đương 30 tấn thịt).

Anh Đặng Quang Đức, Giám đốc HTX cho hay, sau khi thực hiện thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ chuyển đổi số do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ và được Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cấp đăng ký mã số vùng; mã số cơ sở đóng gói sản phẩm (để tiện truy xuất nguồn gốc), HTX đã chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm với nhiều kênh, chuỗi bán hàng đến tận tay người tiêu dùng. Ở mỗi chợ trung tâm của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, HTX có một điểm bán lẻ sản phẩm thịt heo rừng.

Anh Đặng Quang Đức, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên kiểm tra thực tế đàn heo rừng.

Khi mua hàng, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR trên bao bì là biết được toàn bộ thông tin về sản phẩm như: xuất xứ; giống, quá trình sinh trưởng, phát triển; quy trình giết mổ, bảo quản; thành phần dinh dưỡng và cả hướng dẫn sử dụng từng loại sản phẩm… Người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng khi mua sản phẩm của HTX, giá cả cũng hợp lý vì “mua tận gốc” mà không phải qua một khâu trung gian nào.

Quả thật, áp dụng công nghệ số vào chăn nuôi đã tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, dễ dàng đưa sản phẩm vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, 10 thành viên của HTX đã sử dụng thành thục quy trình công nghệ áp dụng cho việc chăn nuôi, quản lý heo rừng. Sắp tới, HTX sẽ hỗ trợ 75 thành viên liên kết cùng tham gia mô hình này.

Anh Đào Đức Hoàn, ở xã Xuân Phú, thành viên HTX chia sẻ: “Gia đình tôi đang nuôi hơn 150 con heo rừng lai. Tôi đã sử dụng thành thạo phần mềm AutoAgri để nhập dữ liệu, đăng tải thông tin, hình ảnh, quy trình chăm sóc heo rừng, từ cập nhật lượng thức ăn hằng ngày đến thời gian tiêm phòng bệnh… Với hệ thống camera gắn ở khu vực chuồng trại và chíp điện tử gắn trên từng con heo, tôi có thể quản lý công việc chăn nuôi từ xa mà không cần phải lúc nào cũng túc trực ở trang trại…”.

Đây chỉ là một trong số nhiều nông hộ, HTX trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, hội nông dân các cấp và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, mang lại kết quả khả quan.

Hàng loạt chương trình, phần mềm quản trị chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất, giảm chi phí, công lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Việc nông dân từng bước làm chủ công nghệ, KHKT, tham gia vào các chuỗi liên kết, tuân thủ theo các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc không chỉ giúp gia tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu mà còn phục vụ hữu ích cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.

Minh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.