Multimedia Đọc Báo in

Giá mía cao, nông dân M’Drắk phấn khởi

06:59, 16/02/2022

Những ngày này, trên các cánh đồng mía ở huyện M’Drắk, nông dân đang tất bật thu hoạch mía niên vụ 2021 - 2022. Năm nay, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến chữ đường, song nông dân vẫn phấn khởi bởi giá mía đầu vụ cao.

Trên ruộng mía ở buôn Hoang (xã Krông Jing), vợ chồng anh Y Men Niê chuyền nhau từng bó mía chất thành đống lớn, chờ xe của Nhà máy Mía đường 333 đến vận chuyển. Gia đình anh Y Men có hơn 3 ha mía giống K95 vụ 3.

Thông thường ở vụ này, năng suất sẽ đạt từ 65 - 80 tấn/ha, nhưng năm nay thời tiết không thuận lợi nên chữ đường đạt thấp. Bù lại, giá mía đầu vụ khá cao, đạt 1.030.000 đồng/tấn (tăng hơn 150.000 đồng/tấn so với vụ trước), có thể mang lại cho gia đình nguồn thu trên 70 triệu đồng (sau khi trừ chi phí).

Gia đình anh Y Men đã lên lịch thu hoạch, lập tổ nhóm đổi công, liên hệ nhà máy để bố trí xe vận chuyển kịp thời. Theo anh Y Men, nhờ giá mía cao, bà con đã có khoản thu từ mía để trả nợ ngân hàng, các đại lý phân bón và tái đầu tư vụ mới nên ai cũng phấn khởi.

Nông dân xã Krông Jing thu hoạch mía.

Xã Ea Pil là vùng nguyên liệu mía lớn nhất huyện M’Drắk, với 2.600 ha, chiếm khoảng 50% tổng diện tích mía toàn huyện. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với 3 đơn vị là Công ty Mía đường Ninh Hòa, Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), 333 (tỉnh Đắk Lắk)... tiến hành khảo nghiệm để chọn được các giống mía mới chất lượng cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác tại địa phương, sau đó chuyển giao kỹ thuật canh tác cho các hộ nông dân trong xã trồng, các giống mía chủ yếu là K94-95, K3. Nhờ vậy, năng suất, chữ đường của cây mía Ea Pil luôn đạt cao hơn các nơi khác. Từ đầu tháng 1/2022, các công ty đã thông báo giá mua mía nguyên liệu vụ 2021 - 2022. Theo đó, giá mía đầu vụ 1.030.000 đồng/tấn (chữ đường chuẩn từ 8 đến 10 CCS), đối với những trường hợp có chữ đường từ 7,8 – 8 CCS giảm giá mua 5%, từ 7 - 7,5 CCS giảm giá mua 10%...

Niên vụ 2021 – 2022, nông dân huyện M’Drắk trồng 5.547 ha mía tại 8/13 xã, thị trấn, đạt 98,3% kế hoạch, giảm 295 ha so với năm trước; năng suất ước đạt 77 tấn/ha, cung cấp sản lượng mía nguyên liệu trên 400.000 tấn cho các công ty mía đường trong và ngoài tỉnh. Trong đó, xã Ea Pil trồng 2.600 ha, năng suất dự kiến 79 tấn/ha, sản lượng gần 205.400 tấn; xã Krông Jing 600 ha, năng suất dự kiến 71 tấn/ha, sản lượng 42.600 tấn... Trên thực tế, vụ mía này, điều kiện thời tiết không thuận lợi, cây mía chỉ có khoảng 3 tháng phát triển tốt, vì vậy chữ đường, năng suất giảm mạnh, ước giảm 30 - 40% so với vụ trước. Tuy nhiên, nhờ giá mía đầu vụ tăng cao hơn 15% nên người trồng mía vẫn phấn khởi. Hiện nay, giá nhân công thu hoạch mía đầu vụ từ 1.100 – 1.300 đồng/bó, 240.000 – 250.000 đồng/tấn. Mỗi héc-ta mía sau khi trừ chi phí có thể mang lại lợi nhuận 25 - 35 triệu đồng.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.