Multimedia Đọc Báo in

Giá vật tư nông nghiệp tăng, nông dân gặp khó

06:33, 25/02/2022

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nông dân các địa phương trong tỉnh đã bắt đầu vụ mùa sản xuất mới với nhiều nỗi lo về chi phí nhân công, giá vật tư, phân bón tăng cao.

Đã gần 12 giờ, trời nắng như đổ lửa nhưng trên cánh đồng thuốc lá nằm dưới chân dãy núi Cư Yang Sin, anh Y Nê Knul (trú buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) cùng người em trai vẫn đang hì hục kéo từng khúc ống để đấu nối tưới nước cho vườn thuốc lá.

Theo anh Y Nê, những năm trước gia đình làm ngô, làm sắn nhưng thu nhập không đáng là bao nên năm nay anh thuê 6 sào đất của một hộ dân trong xã với giá 11 triệu đồng/mùa để trồng cây thuốc lá. Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 gia đình đã xuống giống, chăm sóc từng ngày nên cây phát triển xanh tốt. Cây thuốc lá trồng trên đất hạn nên cứ từ 3 - 5 ngày phải tưới một đợt, mỗi đợt tưới mất khoảng 400.000 - 500.000 đồng tiền mua dầu diezel chạy máy nổ.

Cán bộ xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) kiểm tra tình hình cây sầu riêng mới trồng trên địa bàn. Ảnh: H. Ân

Thời gian gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng khiến những nông dân như anh gặp rất nhiều khó khăn. Anh Y Nê buồn bã than: “Giá dầu diezel mấy ngày qua tăng chóng mặt, trước Tết Nguyên đán khoảng 16.000 - 17.000 đồng/lít, nhưng đến nay tăng lên gần 21.000 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá vật tư nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng, trong khi giá cả nông sản vẫn đứng im”.

“Bỏ thì thương, vương thì lỗ” nên giờ đây gia đình anh Y Nê cũng như hàng chục hộ dân nơi đây đang “tiến thoái lưỡng nan” bởi nếu bỏ cuộc giữa chừng coi như mất trắng vì tiền giống, tiền thuê đất đã bỏ ra nhưng tiếp tục bám lấy vườn cây thì phải hơn 2 tháng nữa mới đến thời kỳ thu hoạch, khả năng chịu lỗ...  hiện hữu rõ. Gia đình anh đang phải khắc phục bằng cách tưới tiết kiệm hoặc đấu nối điện của những hộ dân lân cận vì tưới điện chỉ mất 300.000 đồng/đợt, giảm hơn gần một nửa so với tưới máy dầu.

 

So với cùng kỳ năm ngoái, giá phân bón các loại như DAP, urê, NPK... đều tăng, một số loại tăng hơn 100%.

Tương tự, nông dân tại huyện Krông Pắc cũng than ngắn, thở dài khi giá xăng dầu tăng cao. Toàn huyện có hơn 40.000 ha đất sản xuất trồng các loại cây: sầu riêng, cà phê, tiêu, bơ, cây ngắn ngày… Riêng cây sầu riêng đang bước vào giai đoạn làm hoa, do đó việc tưới tắm, phân bón, thời tiết sẽ quyết định năng suất trái trong vụ này.

Ông Bùi Đình Lục, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Ea Kênh (xã Ea Kênh) cho biết, tổ hợp tác có 58 thành viên với gần 1.000 ha sầu riêng, nhưng đến nay đã có 70 – 80% diện tích sầu riêng chuyển sang tưới điện, số còn lại phải "bóp bụng" mua dầu sử dụng máy bơm để tưới nhằm đảm bảo sinh trưởng cho cây sầu riêng, bởi chưa kéo điện lưới 3 pha. Ông Lục thông tin thêm, vụ sầu riêng năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá sầu riêng giảm, đến đầu năm 2022 thời tiết nắng, mưa thất thường dẫn đến thiệt hại rất nhiều diện tích sầu riêng đang trổ hoa, nhiều nông hộ trồng sầu riêng phải làm lại mùa hoa để đảm bảo cho cây sầu riêng đạt năng suất. “Đến thời điểm hiện tại, giá xăng, dầu tăng mạnh, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng leo thang khiến nông dân trồng sầu riêng thấp thỏm như ngồi trên đống lửa”, ông Lục nói.

Những ngày này, tại cửa hàng xăng dầu trên Quốc lộ 14, xã Pơng Drang (huyện Krông Búk), lượng người đến mua xăng, dầu khá đông. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp ở thôn 9 (xã Ea Ngai) vừa mua 200 lít dầu với số tiền hơn 5 triệu đồng. Bà Diệp có 3 ha cà phê, sử dụng máy bơm công suất 24 ngựa, mỗi giờ vận hành hết 2,4 – 2,6 lít dầu. Bà Diệp cho biết: “Tôi phải cắt giảm nhân công, giảm lượng phân bón để có thể duy trì tưới nước cho cà phê. Hiện nay giá phân bón, xăng dầu tăng kéo theo các chi phí khác cũng tăng trong khi chưa biết mùa thu hoạch tới giá cà phê sẽ như thế nào”.

Anh Y Nê Knul (buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) tất bật tưới nước cho vườn cây thuốc lá. Ảnh: T.Hùng.

Hơn 20 năm trồng cà phê ở xã Pơng Drang (huyện Krông Búk), ông Nguyễn Thành Đạt chưa bao giờ chứng kiến cảnh giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng mạnh như trong thời gian qua. Ông Đạt chia sẻ: “Giá phân bón bán ra tại các đại lý tăng rất cao. Phân urê năm trước giá một bao 50 kg khoảng 500.000 đồng thì hiện nay đã tăng lên gấp đôi. Mới đầu năm mà tiền dầu, tiền phân bón, nhân công đã tăng cao thế này khiến gia đình tôi phải cắt giảm lượng phân bón để tiết kiệm chi phí”.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá phân bón các loại như DAP, urê, NPK... đều tăng, một số loại tăng hơn 100%. Theo một số doanh nghiệp kinh doanh phân bón, nguyên nhân tăng giá là nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng, đồng thời giá phân bón trên thế giới cũng tăng mạnh, từ đó kéo theo giá phân bón trong nước cũng “leo thang”. Tuy nhiên, những người kinh doanh lâu năm trong ngành phân bón cũng không thể dự đoán được giá phân bón sẽ diễn biến như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Hoàng Hùng Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.