Multimedia Đọc Báo in

Năm 2022: Kỳ vọng và quyết tâm

07:25, 09/02/2022

Vượt qua những"cơn bão" dữ dội của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19, năm 2021 Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả tích cực về mọi mặt. Đó là tiền đề, động lực hướng tới thực hiện đạt đa mục tiêu trong năm 2022.

Động lực từ những thành quả

Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Toàn tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Phát triển năng lượng tái tạo trở thành điểm sáng trong sản xuất công nghiệp của tỉnh với 28 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 24.000 tỷ đồng. Nhiều dự án mới đã đi vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Dự án Điện mặt trời Xuân Thiện (huyện Ea Súp), Dự án Điện gió Ea Nam (huyện Ea H’leo). Công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng được chú trọng. Dự án tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.

Sản xuất thép ở Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia

Các hoạt động văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe người dân, phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội, giảm nghèo, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh được củng cố, giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, kết nạp đảng viên mới đạt 105% kế hoạch.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn An Vinh đánh giá cao sự năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đưa tỉnh ta vượt qua khó khăn, thách thức, biết phát huy sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, khai thác thế mạnh của tỉnh để phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời, mở ra nhiều kỳ vọng mới.

Đóng gói sản phẩm cà phê ở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái. Ảnh: Hoàng Gia

Tâm thế chủ động

 

Những mục tiêu cơ bản của tỉnh trong năm 2022:

- tổng sản phẩm xã hội (GRDP): 56.299 tỷ đồng

- GRDP đầu người: 55 triệu đồng/người/năm;

- thu ngân sách nhà nước: 8.200 tỷ đồng;

- tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5 - 2%;

- giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động...

2022 là năm có ý nghĩa bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhằm xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, do vậy, ngoài 10 nhiệm vụ chủ yếu được xác định trong Nghị quyết nhiệm vụ năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm đa mục tiêu, vừa phát triển kinh tế, an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tập trung lãnh đạo công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ hội, nguồn lực để tỉnh phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng, hoàn chỉnh công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 và các năm tiếp theo; quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển, nâng cao chất lượng đảng viên, kiểm tra, giám sát...

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung, để thực hiện đạt những mục tiêu trên, ngay trong quý I năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chuẩn bị chu đáo nội dung làm việc với Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo về 3 nội dung: việc mở cửa khẩu quốc tế Đắk Ruê – Chi Miết; phát triển năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh; giải quyết thực trạng quản lý đất đai ở các nông – lâm trường (khoảng 95.000 ha). Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để triển khai Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 9/7/2020 của Chính phủ về xây dựng cơ chế đặc thù phát triển kinh tế - xã hội TP. Buôn Ma Thuột để Chính phủ trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba vào tháng 5/2022. Đồng thời, bảo đảm tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Khu vực Tây Nguyên, Tổ hợp dự án khách sạn, trung tâm thương mại và nhà ở thương mại tại khu đất số 2 Mai Hắc Đế (TP. Buôn Ma Thuột), các dự án điện năng lượng tái tạo...

Sản xuất các thành phẩm từ cao su ở Công ty TNHH MTV Chỉ thun cao su Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Đồng chí Y Ly Niê Kdăm, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, tỉnh cần tổ chức tổng kết, đánh giá lại công tác phòng, chống dịch COVID-19, qua đó rút kinh nghiệm và có kiến nghị với Trung ương điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với tình hình mới; đổi mới công tác xóa đói, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, tránh cách làm “úp nơm”, cho “cần câu” phải hướng dẫn cả “cách câu”, phổ biến kỹ thuật, cầm tay chỉ việc, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, trong năm 2022, tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học – kỹ thuật, quản lý, sử dụng, phát huy tốt tài nguyên của tỉnh như: đất, nước, rừng, nắng, gió; khắc phục việc đầu cơ đất, tiêu cực trong làm hồ sơ tách thửa, phân lô bán nền. Đồng thời, quan tâm xây dựng đề án bảo vệ nguồn nước, rừng, đất rừng, hồ đập thủy lợi; tập trung giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, triển khai hiệu quả, kịp thời các gói cứu trợ của Chính phủ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.