Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở huyện Ea H’leo

08:34, 18/02/2022

Với nghị lực, ý chí của người lính Cụ Hồ, sau khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh (CCB) huyện Ea H’leo đã nỗ lực vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương.

Năm 1981, ông Nguyễn Đức Thao nhập ngũ, được biên chế về Tiểu đoàn 17 (Sư đoàn 304) tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau hơn 3 năm phục vụ trong quân đội, tháng 10/1984, ông phục viên trở về quê hương Thái Bình rồi lập gia đình. Năm 1996, ông cùng gia đình đến tổ dân phố 5, thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo) lập nghiệp. Những năm đầu trên quê hương mới, cuộc sống của gia đình ông hết sức khó khăn do không có đất canh tác, nhưng ý chí và bản lĩnh của người lính đã giúp ông vượt qua thách thức ban đầu. Năm 2000, ông vay mượn người quen, họ hàng cộng với một số vốn tích lũy mua 2 ha đất trồng cà phê.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thao (bên trái) giới thiệu với khách tham quan về vườn cây trồng xen canh của gia đình.

Ông Thao chịu khó nghiên cứu, học hỏi các phương thức, kỹ thuật chăm sóc cây trồng áp dụng vào vườn cây của gia đình. Ông cũng tìm hiểu và áp dụng mô hình trồng xen canh cà phê, tiêu với một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng. Thu nhập của gia đình ông dần được cải thiện hơn. Không dừng lại ở đó, năm 2013 ông Thao quyết định đầu tư làm thêm dịch vụ nấu ăn tiệc cưới. Hiện nay, với hơn 2 ha trồng xen canh cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái các loại và hoạt động của cơ sở dịch vụ nấu ăn mang lại cho gia đình ông thu nhập bình quân hơn 700 triệu đồng mỗi năm. 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Thao còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động là người thân của hội viên CCB, với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Ông cũng đứng ra giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều CCB có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế; tích cực đóng góp các quỹ từ thiện, nhân đạo để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương với số tiền hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, thời gian qua gia đình ông đã hỗ trợ 20 chuyến xe miễn phí chở hàng từ thiện hỗ trợ người dân bị dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh và đồng bào miền Trung gặp thiên tai.

Với những việc làm của mình, vừa qua ông Nguyễn Đức Thao đã được UBND thị trấn Ea Drăng và Hội Cựu chiến binh tuyên dương điển hình trong phong trào CCB gương mẫu, sản xuất, kinh doanh giỏi.

Còn ông Trương Văn Măng nhập ngũ năm 1978, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Đến năm 1982 ông Măng phục viên trở về quê hương Hải Dương. Tuy nhiên, quê hương đất chật người đông, dù ông chăm chỉ lao động song thu nhập từ vài sào ruộng không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Năm 1997 ông quyết định đưa gia đình vào thôn 5B, xã Ea Hiao lập nghiệp.

Vườn cây ăn trái của gia đình ông Trương Văn Măng.

Thời gian đầu nơi vùng quê mới, do không có đất sản xuất, vợ chồng ông Măng phải đi làm thuê, cuốc mướn mưu sinh, sau đó vay mượn và dành dụm tiền mua được 1 ha đất trồng cà phê. Song, do không có vốn đầu tư, thiếu kiến thức về sản xuất nên năng suất cây trồng không cao. Năm 2001, ông Măng quyết định đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở các mô hình kinh tế hiệu quả; tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để áp dụng vào vườn cà phê của gia đình mình. Nhờ vậy, vườn cây của gia đình ông ngày càng phát triển, cho năng suất cao hơn hẳn. Ông tiếp tục dành dụm vốn mua thêm đất mở rộng diện tích trồng cà phê và nhiều loại cây ăn trái khác. Hiện nay, gia đình ông đã có 10 ha cây trồng các loại, trong đó có 3 ha cà phê, 3 ha bơ và 4 ha sầu riêng mang lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ tích cực lao động, sản xuất làm giàu, ông Măng còn giúp 5 hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương mượn hơn 200 triệu đồng để phát triển kinh tế, trong đó, có 3 hộ đến nay đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Ông còn tích cực tham gia vận động nhân dân trên địa bàn xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hoài Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.