Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ
Ngày 16/2, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình (Nghị quyết 11).
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì hội nghị. Cùng tham dự tại điểm cầu Trung ương có đại diện các bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội. Tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; đại diện các sở, ngành, hội đoàn thể của tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Triển khai Kết luận 24-KL/TW, ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 nhằm đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025.
Đây là nghị quyết về phục hồi kinh tế - xã hội liên quan đến tín dụng chính sách. Ngay sau khi có nghị quyết, NHCSXH đã có kế hoạch triển khai, cụ thể: về huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách tín dụng, NHCSXH đang xây dựng đề án phát hành trái phiếu tối đa 38.400 tỷ đồng, trong đó, năm 2022 tối đa 19.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị đã triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và thực hiện hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất và phí quản lý theo quy định của Nghị quyết 11; đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc báo cáo, tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng, hội đoàn thể phối hợp với NHCSXH trong việc rà soát đối tượng thụ hưởng, nhu cầu vay vốn ưu đãi để làm cơ sở phân giao kế hoạch vốn năm 2022 và 2023.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương cho rằng, để Nghị quyết 11 được thực hiện hiệu quả thì Trung ương cần có chính sách, giải pháp đồng bộ; hướng dẫn việc triển khai một cách cụ thể và có cơ chế ưu tiên cho những khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, Nghị quyết 11 có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Do đó, nhằm thực hiện tốt nghị quyết này, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tập trung tổ chức triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và nhân dân biết, tổ chức thực hiện và giám sát.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc