Multimedia Đọc Báo in

Hàng hóa biến động theo giá xăng

07:04, 16/02/2022

Xăng dầu được điều chỉnh tăng giá từ chiều 11/2 khiến chi phí vận chuyển tăng lên. Hiện giá cả một số hàng hóa đã có sự biến động theo giá xăng, chủ yếu ở mặt hàng thực phẩm và hàng công nghệ.

Trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu mới nhất của Liên bộ Công thương - Tài chính, giá xăng E5 Ron 92-II và Ron 95-III bán ra trên thị trường Đắk Lắk đã lên mức trên 25.000 đồng/lít. Giá dầu cũng đồng loạt được điều chỉnh tăng, có giá bán ra hơn 20.000 đồng/lít.

Theo nhiều tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, xăng dầu đang ở mức giá cao khiến chi phí vận chuyển tăng lên đáng kể.

Chị Đinh Thị Phước, chủ quầy bán rau củ tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột cho biết, hai ngày nay, giá cước vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về đã tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/thùng hàng loại 20 kg. Cứ ba ngày chị nhập hàng về một lần, hết đến đâu nhập về đến đó chứ không dám dự trữ nhiều. Giá cước tăng lên khiến hàng bán ra cũng phải tăng giá theo. Tuy nhiên, chị chỉ dám tăng nhẹ từ 1 - 2 giá so với bình thường.

Chị Nguyễn Thị Thơ bán hải sản gần đó cũng cho hay, nguồn hàng của chị chủ yếu nhập từ Khánh Hòa, Bình Định về, chi phí vận chuyển đã tăng khoảng 10% so với trước. Giá bán ra vì thế cũng tăng khoảng 10.000 đồng/kg cá, tôm các loại.

Mặt hàng thực phẩm khô chịu áp lực lớn từ việc tăng giá xăng khiến chi phí vận chuyển tăng thêm. (Trong ảnh: Khách mua thực phẩm khô tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột).

Hàng khô là mặt hàng liên quan nhiều đến giá cước vận chuyển, giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh đối với tiểu thương ở ngành hàng này. Chị Lê Thị Thùy Trang, kinh doanh hàng khô tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, nhiều mặt hàng nhập từ các đầu mối đã bắt đầu tăng giá. Riêng trong sáng 15/2, chị đã nhận được điện thoại thông báo tăng giá của hai đơn vị cung ứng.

Đơn cử như mì tôm giấy đã tăng 20.000 đồng/thùng loại 100 gói so với trước, mặt hàng dầu ăn thì phía đơn vị cung cấp cho biết hiện tại chưa tăng do lượng dự trữ trong kho vẫn còn nhưng vài ngày tới cũng sẽ áp dụng giá bán mới, với mức tăng 20.000 đồng/can loại 30 lít...

Cùng với đó, giá cước vận chuyển cũng tăng theo. Trước đây, hàng vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về có giá 50.000 đồng/thùng hàng loại 50 - 60 kg thì nay đã tăng thêm 30.000 đồng/thùng. “Mới ra Tết, sức mua mới chỉ trở lại được như bình thường ở các ngành hàng thực phẩm tươi sống, còn những ngành hàng khác thì lượng người mua vẫn còn khá ít. Nay bắt buộc phải tăng giá bán, tôi chỉ dám tăng nhẹ chứ không thể tăng thêm được nữa.

Thay vì lãi 500 đồng/món hàng như trước thì nay giá tăng, tôi chấp nhập sụt giảm lợi nhuận, thu về phần lãi 200 - 300 đồng/món để bán cho được hàng và giữ chân khách. Được đồng nào hay đồng nấy chứ kinh doanh thời điểm này khó khăn lắm”, chị Trang nói. 

 

Để vượt qua khó khăn, nhiều người tiêu dùng có xu hướng tìm mua các loại hàng hóa được sản xuất trong tỉnh như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm các loại, rau củ quả trồng được tại các địa phương như TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Buôn Đôn...  để  tránh việc “gánh” thêm chi phí vận chuyển cộng vào giá bán.

Các loại hàng hóa ở ngoài tỉnh đến tay người tiêu dùng đang chịu tác động từ việc xăng dầ tăng giá thông qua khâu vận chuyển. Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn thành phố, đối với hàng hóa sản xuất tại địa phương như rau các loại, thịt heo, bò thì đến thời điểm này cơ bản vẫn ổn định nhưng hàng hóa nhập từ ngoài tỉnh về đã tăng nhẹ do giá xăng tăng mạnh, giá cước vận chuyển tăng theo.

Nhiều tiểu thương cho biết, xăng dầu ở mức giá cao khiến việc kinh doanh gặp khó khăn. Giá nhập vào tăng đối với hàng thực phẩm công nghệ, cộng với sức ép từ giá cước vận tải khiến hàng tiêu dùng bán ra khó tránh khỏi việc tăng giá. Tiểu thương bán hàng ở chợ rất lo lắng mỗi khi xăng dầu điều chỉnh giá tăng, vì như thế giá hàng hóa bán ra cũng phải tăng theo. Trong khi đó, giá bán cao thì người dân sẽ hạn chế mua hàng, tiểu thương lại rơi vào cảnh ế ẩm. Một số tiểu thương than thở, buôn bán thời điểm này khó khăn vì nếu không tăng giá thì sẽ bị lỗ, còn tăng sẽ kéo theo sức mua càng giảm, hàng hóa bán ra chẳng được bao nhiêu. Theo ghi nhận, kể từ khi hàng hóa cập nhật mức giá mới theo xu hướng tăng của giá xăng thì hoạt động mua bán hàng hóa vẫn diễn ra bình thường. Đa số tiểu thương đều nỗ lực giữ giá nhưng lượng hàng bán ra không nhiều. Một số người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, mua sắm ít lại hoặc có xu hướng cắt giảm các khoản chi tiêu để tiết kiệm hơn.

Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa ở siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Thực tế, giá xăng dầu tăng kéo theo nỗi lo về giá đối với nhiều người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Hương, người tiêu dùng phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) lo lắng cho biết, sau Tết đi chợ, chị chưa kịp mừng vì hàng hóa vẫn giữ giá ổn định thì hai ngày nay, một số mặt hàng đã bất ngờ điều chỉnh giá bán. Dù giá tăng đang ở mức nhẹ nhưng điều này cũng khiến chị lo lắng về tình trạng “té nước theo... giá xăng” có thể diễn ra trong những ngày tới. Khi đó, nếu tính riêng lẻ thì mỗi món hàng mua về chỉ tăng nhẹ, vài ba nghìn đồng không đáng kể nhưng cộng dồn lại chi tiêu hằng tháng của gia đình chị sẽ đội thêm rất nhiều.

Đây không chỉ là nỗi lo lắng của chị Hương mà còn với nhiều gia đình khác. Bởi, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nguồn thu nhập vốn đã bị giảm sút, nếu cộng thêm việc hàng hóa tăng giá thì càng gây áp lực chi tiêu cho người nội trợ ở địa phương.

Trong khi đó, mặc dù giá xăng dầu kéo theo sự biến động nhẹ về giá ở các chợ nhưng ở các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, giá các mặt hàng cơ bản vẫn giữ nguyên như cũ. Đại diện các siêu thị cho biết, đến ngày 15/2, các đơn vị chưa nhận được đề nghị tăng giá nào từ các nhà cung cấp. Hơn nữa, nhu cầu mua sắm của người dân đang sụt giảm hơn 10% so với những năm trước nên việc tăng giá vào thời điểm này sẽ gây khó khăn cho việc kinh doanh. Vì vậy, các siêu thị sẽ nỗ lực giữ giá để kích thích sức mua trên thị trường.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.