Thích ứng với “bình thường mới”
Một năm với biết bao khó khăn do dịch bệnh COVID-19 cũng qua đi. Bằng những giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt” nhiều doanh nghiệp (DN) của tỉnh nhanh chóng bắt nhịp với tình hình mới, nỗ lực khỏa lấp những “nốt trầm” do dịch bệnh gây ra, từng bước hồi sinh, tươi mới trở lại.
Từ tháng 10/2021 đến nay, Việt Nam bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Theo xu thế này, nhiều DN của tỉnh cũng đang thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt” để sản xuất.
Trở lại trạng thái “bình thường mới”, khi 100% công nhân viên chức, người lao động đã tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã duy trì chế độ “3 ca, 5 kíp” trực mỗi ngày, có bếp ăn tập thể phục vụ người lao động nhưng không chủ quan, lơ là với dịch bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe người lao động, đơn vị tổ chức xe đưa đón, bố trí chỗ ngồi bảo đảm khoảng cách, thực hiện nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”, hạn chế tiếp xúc với lực lượng bên ngoài và tuân thủ quy định 5K tại nơi làm việc cũng như nơi sinh sống. Ngoài ra, công ty lập các nhóm Zalo để khai báo y tế, hỗ trợ kịp thời người lao động khi xuất hiện các tình huống nguy cơ cao. Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp thì đơn vị thực hiện phương án “3 tại chỗ” và chuyển về chế độ 2 ca/ngày.
Nhờ chủ động tuân thủ, thực hiện hiệu quả các quy định phòng dịch nên hoạt động sản xuất điện của công ty được duy trì liên tục; việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị bảo đảm tiến độ đề ra; trong điều kiện dịch bệnh nhưng công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, chống lụt bão vẫn tuân thủ theo đúng quy trình...
Trực vận hành tại Phòng điều khiển trung tâm, Nhà máy Thủy điện buôn Tua Srah. |
Thực tế quá trình nhập cuộc trở lại để lấy đà tăng trưởng, có không ít DN gặp khó khăn do việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường tiêu thụ, chi phí phát sinh cho hoạt động phòng, chống dịch... Tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk, dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất, kinh doanh tại đơn vị. Có những tháng trong năm, sản lượng tiêu thụ sụt giảm 1/3 so với trước, thị trường bị thu hẹp, nhà máy phải dừng sản xuất để chờ bán bớt lượng hàng có sẵn, trong khi đơn vị đang đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến...
Song để thích ứng và phát triển trong thời kỳ này, các DN đều chủ trương đặt vấn đề an toàn phòng dịch và bảo vệ sức khỏe của người lao động lên trên hết. Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk kiểm soát tình hình dịch tễ của toàn thể người lao động tại nhà máy và luôn nâng giải pháp phòng, chống dịch lên cao hơn một cấp so với tình hình chung tại địa bàn. Trưởng các bộ phận trong công ty chịu trách nhiệm theo dõi, báo cáo hằng ngày tình hình sức khỏe, dịch tễ của từng người lao động. “Một mặt, công ty đầu tư kinh phí cho hoạt động chống dịch, mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu mỗi người lao động phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch và tổ chức test sàng lọc thường xuyên cho người lao động trong nhà máy. Không chủ quan, mất cảnh giác mà tạo thế chủ động bình tĩnh, vượt qua thách thức”, ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung, kiêm Giám đốc Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk cho hay.
Xưởng sản xuất Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk. |
Theo Sở Công thương, thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, ngành công thương địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh sớm ổn định sản xuất. Đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết nối tiêu thụ, khơi thông đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh, trong đó, áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để làm động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, năm 2021 có hơn 500 DN giải thể, ngừng hoạt động. Một số DN phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong những thời kỳ phức tạp của dịch bệnh. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc