Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp thời COVID-19

09:24, 06/02/2022

Năm 2021 đặt ra không ít thách thức cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh do ảnh hưởng của dịch covid-19. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân đã có những cách làm linh hoạt để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong toàn tỉnh.

Xu hướng “online hóa”

Trong năm qua, việc triển khai các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh không thể diễn ra trực tiếp do dịch COVID-19 bùng phát. Vì vậy, nhiều đơn vị đã linh động theo tình hình để tổ chức các hoạt động phù hợp với thực tiễn.

Ông Phạm Thanh Tuấn, thành viên Ban tư vấn khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh chia sẻ, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động thúc đẩy phong trào khởi nghiệp không sôi nổi như những năm trước, nhưng lại ghi nhận xu hướng “online hóa” (chuyển đổi số) về mô hình đổi mới sáng tạo của các đơn vị, địa phương lẫn các startup trong tỉnh.

Các cuộc thi, hội nghị tập huấn, chương trình giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tọa đàm về các giải pháp khởi nghiệp, hội thảo online... được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, các startup đã tìm cách thích ứng và tăng cường tiếp thị sản phẩm của mình trên sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, năm nay phong trào khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần hoàn thiện bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đắk Lắk. Nhiều trường đã có những chương trình, hoạt động thiết thực, cung cấp kiến thức và truyền cảm hứng làm chủ sự nghiệp, làm chủ bản thân cho sinh viên.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp do Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Buôn Đôn tổ chức.

Ông Y Khoa Niê Kdăm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên cho hay, năm 2021, nhà trường đã tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên bằng hình thức trực tuyến nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên cũng như đặt những “viên gạch” vững chắc, tạo nền móng cho hoạt động khởi nghiệp trong trường. Nhà trường cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Còn Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Bee Startup” nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh và trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.

Đa dạng hoạt động

Nhằm cung cấp kiến thức và truyền cảm hứng khởi nghiệp, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đơn cử như ở huyện Buôn Đôn, năm 2021, phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đã lan tỏa sâu rộng. Nhiều thanh niên đã mạnh dạn khởi nghiệp, chủ động liên kết với nhau để phát triển kinh tế. Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện đã thành lập được một tổ hợp tác, một câu lạc bộ khởi nghiệp và tổ chức hoạt động trưng bày sản phẩm khởi nghiệp... Phong trào khởi nghiệp cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hưởng ứng sôi nổi, các hội viên phụ nữ đã dần thay đổi nhận thức, mạnh dạn phát triển sản xuất. Hội đã hỗ trợ và trao vốn khởi nghiệp cho 15 ý tưởng chăn nuôi và trồng cây ăn quả với số tiền trên 90 triệu đồng…

Mô hình khởi nghiệp trồng rau sạch và nuôi heo rừng của anh Nguyễn Tuấn Vũ (bên trái) ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn.

Ông Vũ Hồng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, huyện luôn xác định hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đặc biệt là giúp lực lượng đoàn viên, thanh niên bám trụ, làm giàu trên quê hương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, huyện chỉ đạo các hội, đoàn thể tổ chức các diễn đàn đối thoại, đưa sản phẩm trưng bày ở ngày hội khởi nghiệp, hỗ trợ các mô hình, dự án đạt chứng nhận VietGAP, OCOP, nâng cao chất lượng cho sản phẩm.

Đối với Trường Đại học Tây Nguyên, năm 2021, hoạt động khởi nghiệp được định hướng dài hạn hơn với việc ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh Trường Đại học Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch xác định các mục tiêu chủ yếu là thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh trong nhà trường, đồng thời tăng cường liên kết với các cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Y Lê Pas Tơr cho biết, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động khởi nghiệp nhưng hằng năm Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đều ban hành kế hoạch hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đồng thời vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ thành lập Quỹ Khởi nghiệp và xây dựng, phát triển các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên. Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc nhận ủy thác vốn vay dành cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế và hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp cho thanh niên...

Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, thời gian qua các cấp hội cũng đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Từ việc truyền cảm hứng khởi nghiệp đến việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với nhiều cách làm cụ thể, từng bước hiện thực hóa, phát triển ý tưởng kinh doanh của hội viên thành những sản phẩm khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đặc biệt, năm 2021, Hội đã tổ chức thành công Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo”, qua đó lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong phụ nữ nói riêng và cả cộng đồng nói chung.

Lê Lan - Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.