Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong bối cảnh đại dịch
Một thời gian dài, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Song, với tinh thần vượt khó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chủ động, linh hoạt các kênh quảng bá, đầu tư giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm phù hợp. Phóng viên Báo Đắk Lắk ghi nhận ý kiến, kinh nghiệm của một số chuyên gia, doanh nghiệp lĩnh vực này.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương:
Linh hoạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp
Thay vì tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm, hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp thì trong gần hai năm qua, do dịch bệnh COVID-19, ngành công thương tỉnh đã linh hoạt, chủ động triển khai hàng chục hội nghị trực tuyến, XTTM trên môi trường số để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số và thương mại điện tử, hỗ trợ đưa nông sản của tỉnh như bơ, cà phê lên bán tại các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước như Tiki, Sendo, Amazon...; phối hợp với Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số hỗ trợ 22 doanh nghiệp tham gia Gian hàng Việt trực tuyến.
Ngay từ đầu năm 2022, Sở đã tổ chức hội nghị trực tiếp kết nối cung cầu tại thị trường trong nước. Qua hội nghị có 14 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm đã được ký để đưa vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng của Winmart và Winmart+. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP...) trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Doanh nghiệp Đắk Lắk giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ tại Hội nghị kết nối giao thương giữa Đắk Lắk và Đồng Tháp năm 2019. |
Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, tôi nghĩ, bản thân doanh nghiệp cần mạnh dạn thay đổi, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để xúc tiến tiêu thụ hàng hóa hiệu quả. Doanh nghiệp cần linh hoạt vận dụng và phối hợp các hình thức xúc tiến trực tiếp và trực tuyến để duy trì khách hàng, thị trường và tăng năng lực cạnh tranh, chủ động trong các tình huống.
Bà Nguyễn Thị Thơ, Trưởng Phòng Marketing Công ty TNHH Thương mại cà phê Minh Dũng (huyện Cư M’gar):
Tìm mọi cơ hội để có đầu ra cho sản phẩm
Đầu năm 2022, nhiều hoạt động giao thương bắt đầu hoạt động trở lại. Tôi đã nhanh chóng tham gia các hoạt động XTTM trực tiếp để mở rộng cơ hội tìm kiếm khách hàng. Đơn cử, mới đây là tham gia Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm làng nghề và sinh vật cảnh TP. Hà Nội năm 2022. Nhờ là dòng cà phê rang mộc, tham gia chương trình OCOP của tỉnh, đạt hạng sản phẩm 3 sao, 10 ngày ở Thủ đô lần này, cà phê Thơ Dũng nhận được quan tâm, mua sắm của người tiêu dùng ở đây. Nhân cơ hội này, công ty đẩy mạnh hoạt động tư vấn, bán hàng, dùng thử sản phẩm và giá ưu đãi để khách hàng biết đến nhiều hơn về sản phẩm cà phê Thơ Dũng. Nhiều khách hàng đã gọi điện liên hệ và có đơn đặt hàng tiếp theo. Công ty cam kết sẽ giao hàng đúng hẹn, bảo đảm chất lượng, đáp ứng theo yêu cầu của khách. Đây là động lực giúp chúng tôi nỗ lực vượt qua khó khăn để nâng tầm sản phẩm ra thị trường cả nước.
Là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang trong giai đoạn xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường để nâng tầm sản xuất sang quy mô lớn hơn thì chúng tôi bị bủa vây bởi muôn vàn khó khăn do dịch COVID-19. Nhận thấy nhu cầu thị trường đang cần lúc này là dòng thực phẩm tiêu dùng nhanh, chúng tôi mở rộng thêm nhiều dòng sản phẩm mà thị trường cần, trong đó có bột ngũ cốc dinh dưỡng. Sản phẩm được đóng gói, có chứng nhận an toàn thực phẩm và đa dạng với các dòng ngũ cốc dinh dưỡng dành cho mọi lứa tuổi và dòng sản phẩm khu biệt dành cho người ăn kiêng. Tôi nghĩ, đây là một cách để có thêm nguồn thu, duy trì hoạt động của công ty trong lúc khó khăn.
Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột):
Tập trung đầu tư cho các hoạt động quảng bá
Trong khoảng thời gian nhiều kế hoạch XTTM, gặp gỡ khách hàng, đối tác không thể thực hiện trực tiếp, tôi tham gia khóa học trực tuyến về nông nghiệp hữu cơ, thiết kế bao bì, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để tích lũy cho mình kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh. Tôi cũng xem các khóa học là kênh để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, giúp nhiều người biết đến hơn về sản phẩm cà phê hữu cơ của mình. Cùng với đó, công ty tích cực thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số để kết nối bán hàng, giúp tiết kiệm chi phí đi lại, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường trong nước.
Khi trạng thái bình thường mới được thiết lập, bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, chúng tôi vẫn đẩy mạnh phân phối online, chăm chút hơn cho các dịch vụ chăm sóc khách hàng cả truyền thống và tiềm năng; không ngừng nâng cao chất lượng, giữ giá bán sản phẩm, đa dạng các mặt hàng, sản phẩm đã đạt chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Nhờ đó, suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, đơn vị vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh ở mức ổn định.
Điểm nhấn trong năm 2022 này, chúng tôi mạnh dạn đầu tư khu bán và trưng bày sản phẩm ở số 03 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, dù vẫn đang trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra. Tôi chú trọng hoạt động này vì đây là điểm đối chứng để khách hàng thưởng thức ly cà phê chính hãng mang thương hiệu cà phê hữu cơ Vương Thành Công. Đồng thời, để quảng bá về nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đắk Lắk, trong đó, Vương Thành Công tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong ở lĩnh vực cà phê. Có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với khách hàng trong điều kiện bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại khu bán và trưng bày sản phẩm, cũng là dịp để chúng tôi lắng nghe khách hàng chia sẻ về hàng hóa, dịch vụ của mình, từ đó định hướng, điều chỉnh tổ chức sản xuất phù hợp hơn với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng.
Đỗ Lan (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc