Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp vận tải bằng taxi: Vất vả “giữ chân” tài xế và xe hợp tác kinh doanh

06:38, 15/03/2022

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cộng với giá nhiên liệu liên tiếp biến động tăng cao dẫn tới nhiều chủ phương tiện và tài xế của các hãng taxi dừng kinh doanh, nghỉ việc hàng loạt. Việc “giữ chân” tài xế và xe hợp tác kinh doanh vẫn là bài toán nan giải đối với doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe taxi trong bối cảnh hiện nay.

Hiện nay, quy định về hoạt động vận tải hành khách không còn khắt khe như thời điểm nhiều địa phương trên phạm vi cả nước đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, chi phí tăng cao, trong đó phải kể đến giá nhiên liệu dẫn tới doanh thu của lái xe, doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí thu không đủ bù chi nên hàng loạt tài xế nghỉ việc.

Các phương tiện của Hãng taxi Mai Linh nằm bãi vì thiếu tài xế.

Anh H. (TP. Buôn Ma Thuột) tài xế của một hãng taxi trên địa bàn tỉnh chia sẻ, số trường hợp mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao, nhu cầu đi lại của người dân thấp, mỗi ngày anh chỉ chạy được “vài cuốc” nên thu không đủ chi. Thậm chí có những ngày ngồi nhốt mình trong xe mà không được “cuốc” nào nên anh đành nghỉ việc, chờ cơ hội tìm việc làm khác. Trong khi đó, anh N.V.L. (lái xe của Hãng taxi Mai Linh) tâm sự, trước thời điểm giá xăng chạm ngưỡng 30 nghìn đồng/lít thì cánh tài xế như anh chạy đã không đủ chi rồi, giờ giá xăng cao chót vót thì khó mà “trụ” nổi với nghề. Giá nhiên liệu cao nhưng đổi lại nếu khách ổn định, đều thì chịu khó chạy sẽ có thể "tích tiểu thành đại".

Tài xế nghỉ việc, xe hợp tác ngừng kinh doanh là khó khăn chung hiện nay mà các hãng taxi trên địa bàn tỉnh đang đối diện. Việc tuyển dụng lao động vẫn là bài toán nan giải của các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe taxi. Đơn cử, tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Đắk Lắk, thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đơn vị có hơn 250 xe hợp tác nghỉ kinh doanh, gần 70 tài xế chạy xe doanh nghiệp xin tạm nghỉ từ 1 - 3 tháng. Thời điểm sau Tết, tính đến trung tuần tháng 3/2022 có thêm 34 xe hợp tác tiếp tục nghỉ kinh doanh, khoảng 100 lái xe tạm nghỉ việc… Đây là thời điểm doanh nghiệp thiếu nhân sự trầm trọng nhất từ trước đến nay.

Hiện nay toàn tỉnh có 9 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, với khoảng 1.600 phương tiện. Ngoài khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và giá nhiên liệu tăng cao, các hãng taxi còn phải đối diện với thực trạng hàng loạt "xe dù" hoạt động trong nhiều năm qua.

Mặc dù doanh nghiệp liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng trên nhiều kênh như Zalo, Group Mai Linh Đắk Lắk với số lượng tài xế cần tuyển lên đến 100 người nhưng vẫn rất khó khăn. Ông Chữ Giang Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk cho biết, tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô nói chung, taxi nói riêng. Thêm vào đó, hiện nay giá nhiên liệu tăng cao, dù một số hãng taxi đã có điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển để duy trì hoạt động, nhưng thu không đủ chi khiến doanh nghiệp, lái xe bị thua lỗ. Hãng Mai Linh Đắk Lắk hiện có 5 chi nhánh trên địa bàn tỉnh gồm: TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắc, huyện Ea Kar, huyện Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ. Với khoảng 60 đầu xe của doanh nghiệp, cần khoảng hơn 100 tài xế, song hiện nay hoạt động vận chuyển khách khó khăn nên việc tuyển dụng không hề dễ dàng.

Xe hợp tác kinh doanh của các hãng taxi nằm chờ khách.

Tương tự, Chi nhánh Công ty Cổ phần Sun taxi tại Đắk Lắk cũng đối mặt với khó khăn do tác động của tình hình dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng cao. Tính đến trung tuần tháng 3/2022, số lượng xe hợp tác của đơn vị giảm 45% so với thời điểm chưa có dịch bệnh, còn xe doanh nghiệp hầu hết nằm bãi. Theo bà Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Sun taxi tại Đắk Lắk, lượng khách ít, trong khi giá nhiên liệu tăng cao, phần lớn tài xế chạy xe không đủ để duy trì cuộc sống nên họ nghỉ kinh doanh nhiều. Hiện nay, doanh nghiệp đang áp dụng mức giá 14.000 đồng/km đối với xe 4 chỗ ngồi, 15.500 đồng/km đối với xe 7 chỗ ngồi (tăng 1.000 đồng/km so với mức giá trước đó) song thu vẫn không không đủ chi. Trong khi đó, đến chiều 11/3 vừa qua, giá xăng tiếp tục tăng chạm ngưỡng 30 nghìn đồng/lít thì khó khăn càng chồng chất hơn. Bởi, hãng mới điều chỉnh giá vào đầu tháng 3/2022, hiện nay không thể nâng giá lên tiếp. Chưa kể, việc điều chỉnh giá mất thời gian, chi phí kiểm định, kẹp chì đồng hồ…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc