Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt

09:37, 01/03/2022

Những năm gần đây, hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đang ngày càng được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cư M’gar lựa chọn sử dụng, nhất là những khách hàng đang nhận lương qua các tài khoản ngân hàng.

Điện lực huyện Cư M’gar có hơn 54.000 khách hàng là doanh nghiệp và hộ gia đình, trong đó chủ yếu là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Những năm qua, đơn vị đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, trong đó chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền cho người sử dụng điện, nhất là các cán bộ, công nhân viên chức, người lao động về lợi ích của việc thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt.

Đồng thời, đơn vị cũng hướng dẫn người dân về các phương thức thanh toán, trong đó ưu tiên giải pháp thanh toán qua thiết bị điện thoại thông minh… Từ đó, tỷ lệ khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện ngày càng gia tăng.

Việc thanh toán hóa đơn tiền điện không sử dụng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến ở huyện Cư M'gar.

Tính đến nay, có khoảng 20% tổng số khách hàng sử dụng điện trên địa bàn huyện đã thường xuyên thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt. Việc thanh toán chủ yếu qua ngân hàng và các tổ chức trung gian trong thanh toán tiền điện trực tuyến như: Thanh toán trích nợ tự động qua tài khoản; thanh toán qua Internet banking/mobile, ví điện tử của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán, trích nợ tự động qua ngân hàng, thanh toán trực tuyến trên website của ngành điện…

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hình thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt mang lại sự tiện lợi và an toàn hơn trong các giao dịch như: khách hàng chủ động về thời gian thanh toán, thanh toán mọi lúc, mọi nơi… từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh do không phải tiếp xúc trực tiếp.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Điện lực huyện Cư M’gar cho biết: Đa số khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thói quen sử dụng tiền mặt, hay tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán, lại chưa quen sử dụng điện thoại thông minh, máy tính…

Tuy nhiên, khi thấy sự tiện lợi của việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt mang lại thì tỷ lệ khách hàng sử dụng hình thức thanh toán này tăng lên rất nhiều. Trong đó, nhóm các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chiếm khoảng 11 - 12%, còn các hộ mua bán nhỏ lẻ, cá thể, nông dân chiếm 7 - 8%. Hiện nay, Điện lực Cư M’gar đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và khuyến khích khách hàng trên địa bàn huyện tích cực sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu nâng cao tỷ lệ khách hàng không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền điện đạt khoảng 40 - 50%”.

Trước đây, để đóng tiền điện hằng tháng, chị H’Juôn Mlô (ở buôn Jok, xã Ea H’đing) phải đến trực tiếp tại các điểm thu để đóng. Việc này mất nhiều thời gian đi lại, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của bản thân. Được nhân viên Điện lực huyện Cư M’gar tuyên truyền, giới thiệu về dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, từ năm 2021 chị H’Jôk đã mạnh dạn tham gia.

Hiện nay, dù ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, chỉ với vài thao tác trên điện thoại thông minh có cài đặt ví điện tử MoMo, chị H’Juôn cũng có thể thanh toán hóa đơn tiền điện của gia đình. Việc thanh toán này không chỉ chính xác, an toàn mà còn giúp chị tiết kiệm được thời gian đi lại, cũng như tránh được rủi ro lây lan dịch bệnh khi đến các điểm đóng tiền điện.

Chị H’Juôn Mlô thanh toán tiền điện qua ví điện tử MoMo.

 Tương tự, việc thanh toán tiền điện cũng được chị Nguyễn Thị Kim Quyên ở tổ dân phố 7, thị trấn Quảng Phú sử dụng từ rất sớm. Chị Quyên cho hay: “Tôi rất ủng hộ việc thanh toán không dùng tiền mặt, vì rất nhiều tiện lợi. Chỉ cần có tài khoản ngân hàng hoặc tiền trong các ví điện tử là có thể chi trả tiền điện một cách nhanh chóng mà không mất nhiều thời gian…”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.